Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Y tế năm 2025

Đăng ngày 24 - 12 - 2024
Lượt xem: 412
100%

Sáng 24/12/204, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. Hội nghị được kết nối tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện các tổ chức y tế quốc tế tại Việt Nam.

 

Đoàn Chủ tọa Hội nghị

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên chủ trì tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.

 

Tại điểm cầu Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì dự hội nghị cùng lãnh đạo Sở Y tế; đại diện các sở, ngành của tỉnh và các đơn vị trong ngành Y tế.

Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh...; ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lụt gây ra ở nhiều địa phương; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng do mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, tác động của toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, hành vi lối sống có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, dinh dưỡng không hợp lý còn phổ biến. Song Ngành Y tế cả nước đã tích cực triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, cụ thể:  Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế; 01 Kết luận của Ban Bí thư; 04 Nghị định của Chính phủ, 11 Quyết định và 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế ban hành theo thẩm quyền 43 Thông tư. Bên cạnh đó, nhiều văn bản, chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đầu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán BHYT…  Ngành Y tế nỗ lực hoàn thành 3/3 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao (trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế); đạt 8/9 chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở tiếp tục được nâng cao. Các dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng, đặc biệt là xử lý kịp thời các ca bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau cơn bão số 3. Công tác phòng chống HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường. Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về công tác dân số góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Các dịch vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả với tinh thần lấy bệnh nhân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân. Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được ứng dụng thành công. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, hệ thống phòng khám y học gia đình. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế được chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế còn những hạn chế, khó khăn, thách thức đó là: Mạng lưới cơ sở y tế đã được phân bố rộng khắp nhưng tiếp cận các bệnh viện trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế; Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn vướng mắc, chưa đồng bộ về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế…khiến các cơ sở y tế công lập thiếu động lực nâng cao chất lượng và chuyên môn, không chủ động được nguồn lực tài chính để tái đầu tư phát triển; Sự khác biệt về chỉ số sức khỏe cơ bản như tuổi thọ trung bình, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng miền chưa được cải thiện; Một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao…. Tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, các nghiên cứu còn nhỏ lẻ, còn ít nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp và mở rộng quy mô khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập… Những tồn tại, hạn chế đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân tồn tại, rút ra các bài học kinh nghiệm. Bộ Y tế đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 và 6 nhiệm vụ, giải pháp lớn, trọng tâm đó là: (1) Công tác quản lý nhà nước và điều hành; (2) Cung ứng dịch vụ y tế; (3) Dược, cơ sở hạ tầng và công nghệ y tế; (4) Nhân lực y tế; (5) Tài chính y tế; (6) Hệ thống thông tin, chuyển đổi số y tế. Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết sát hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ một số giải pháp, cách làm hay, sáng tạo nhằm thực hiện có hiệu quả công tác y tế năm 2025.

Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của ngành Y tế trong năm 2024 và lưu ý một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục.  Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngoài những nhiệm vụ, giải pháp mà Ngành y tế đề ra trong năm 2025; đồng thời trong thời gian tới ngành Y tế tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây: Xây dựng thể chế, hoạch định chính sách phát triển ngành đóng góp vào sự phát triển của đất nước; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy; tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động hơn về chuyên môn, tham mưu, định hướng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bệnh; dành nguồn lực cho y tế dự phòng, đổi mới nâng cao hiệu quả y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế; đảm bảo mức sinh thay thế, có biện pháp kiểm soát phù hợp; xử lý dứt điểm hồ sơ bị chậm như: cấp phép lưu hành thuốc, cấp phép hành nghề… Các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng ngành Y tế trong triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kì 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Đối với lĩnh vực y tế tỉnh Ninh Thuận, năm 2024, Tỉnh đã cụ thể hóa các quy định như: Ban hành Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến y tế cơ sở và chuyên ngành hiếm ngành y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; đồng thời, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo: việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; về triển khai công tác bảo đảm ATTP năm 2024; về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2024; về triển khai công tác đào tạo và củng cố hoạt động của mạng lưới y tế thôn trên địa bàn tỉnh,…. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế được tăng cường. Công tác chỉ đạo về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… cũng như việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh. Công tác chuyển đổi số trong ngành y tế được triển khai quyết liệt... Qua đó, công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, công tác khám bệnh, chữa bệnh có những tiến bộ nhanh chóng về chuyên môn, kỹ thuật; tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện. Tỷ lệ người dân hài lòng với các dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được giám sát chủ động, kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng. Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tiếp tục được tăng cường. Các nhiệm vụ y tế dự phòng-dân số và công tác y tế cơ sở, hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm được duy trì và thực hiện tốt… Ngành y tế đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Công tác an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, thông qua việc tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, tập huấn và truyền thông./.

Tin liên quan

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19(31/10/2023 10:42 SA)

UBND tỉnh làm việc với Sở Y tế(25/08/2023 1:59 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam thăm, tặng quà các cơ sở y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy...(28/02/2023 9:20 CH)

Họp mặt kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam(28/02/2023 9:15 CH)

Hội nghị Tim mạch miền Trung – Tây Nguyên mở rộng lần thứ XII tại tỉnh Ninh Thuận(29/08/2022 9:01 SA)

Tin mới nhất

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử tại bệnh viện tỉnh Ninh Thuận(17/06/2024 8:04 SA)

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19(31/10/2023 10:42 SA)

UBND tỉnh làm việc với Sở Y tế(25/08/2023 1:59 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam thăm, tặng quà các cơ sở y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy...(28/02/2023 9:20 CH)

Họp mặt kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam(28/02/2023 9:15 CH)

    14 người đang online
    °