Định hướng phát triển KT-XH

100%

I. ÐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ÐẾN NĂM 2020

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, tránh thiên tai. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là: Tập trung huy động tốt nhất và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy lợi thế từng ngành, từng sản phẩm đưa quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so năm 2015, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trọng tâm giảm nghèo bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân của cả nước. Bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10 - 11%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58 - 60 triệu đồng/người; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30 - 31%;  ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 28 - 29%; các ngành dịch vụ chiếm 39 - 40%.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN, KÊU GỌI ĐẦU TƯ CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

 

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN, KÊU GỌI ĐẦU TƯ CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế sạch”, gắn với yếu tố bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Theo đó, ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành trụ cột gồm: (1) năng lượng; (2) du lịch; (3) nông lâm, thủy sản; (4) công nghiệp; (5) giáo dục và đào tạo và (6) xây dựng và kinh doanh bất động sản với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 06 nhóm ngành này đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động xã hội.

Theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các Khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

1. PHÁT TRIỂN NHÓM NGÀNH NĂNG LƯỢNG

 

Mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, mặt trời và thủy điện tích năng) và tổ hợp điện khí tại Cà Ná với quy mô 18.000 MW. Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phát triển cụm ngành này, đặc biệt là huy động tối đa nguồn vốn FDI để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện khí, cụ thể: 

(1) Tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế về phát triển điện gió: ưu tiên khuyến khích và thu hút đầu tư các dự án điện gió ở 15 vị trí theo quy hoạch phát triển điện gió Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng công suất 1.429 MW; phấn đấu đến năm 2020 công suất lắp đặt 220 MW;

(2) Khuyến khích và thu hút đầu tư các dự án mặt trời ở 79 địa điểm phát triển điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 10.227 MWp (tương đương 8.818 MW); giai đoạn đến năm 2020 xây dựng và lắp đặt khoảng 2.157 MWp (tương đương 2.027 MW), giai đoạn 2025 phát triển khoảng 2.910 MWp (tương đương 2.328 MW), giai đoạn năm 2030 tiếp tục phát triển khoảng 4.783 MWp (tương đương 3.826 MW). Thu hút đầu tư các dự án năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch phát triển, từng bước hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của quốc gia.

(3) Mở rộng công suất nhà máy thủy điện Đa Nhim thêm 80 MW; triển khai đầu tư và phấn đấu đưa vào vận hành nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW vào năm 2020; bổ sung quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển dự án điện khí và Trung tâm phân phối khí LNG cho khu vực miền Nam Trung bộ.

(4) Ngoài ra, tại khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná, một Tổ hợp Điện khí thiên nhiên hóa lỏng được quy hoạch với tổng công suất đến 7.500 MW.  Ninh Thuận đang phối hợp cùng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thủy điện tích năng đầu tiên của cả nước với tổng công suất 1.200 MW.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện tích năng, chế tạo thiết bị Turbin gió và các công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng gió, mặt trời.

2. Du lịch

 

 

Định hướng phát triển du lịch của Tỉnh là theo hướng toàn diện, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch, tập trung khai thác tốt nhất lợi thế về du lịch biển và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm đặc trưng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Ninh Thuận. Ưu tiên loại hình du lịch khám phá, du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng. Thu hút và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch quy mô lớn, có đẳng cấp ở các khu du lịch trọng điểm tạo năng lực mới như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ, khu vực Đầm Nại, khu vực dọc Sông Dinh kết nối cầu An Đông, mũi Dinh; đầu tư hạ tầng làng nghề gắn phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành thương hiệu du lịch “Xanh-Sạch-Đẹp”. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 2,45 triệu lượt du khách, tăng gấp 6,3 lần so với năm 2019, chiếm 8% GRDP của Tỉnh.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng các villa, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế từ 5 sao trở lên; các loại hình du lịch câu lạc bộ du thuyền, thể thao trên biển; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

 3. NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN

 

Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành nông lâm thủy sản đóng góp 29% GRDP toàn Tỉnh và giải quyết 29% lao động xã hội.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hàng năm 6 - 7%/năm, tỷ lệ chủ động tưới đạt 60% vào năm 2020.

3.1. Về nông nghiệp: Tập trung đầu tư vào khâu giống cây trồng, canh tác tiết kiệm nước, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nắng hạn, thổ nhưỡng của từng vùng, tiểu vùngtổng diện tích chuyển đổi 7.200 ha, trong đó năm 2017 chuyển đổi ít nhất 1.500 ha; nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất đạt trên 125 triệu đồng/ha đất canh tác quy hoạch diện tích trồng lúa 18.600 ha, trong đó diện tích sản xuất 2 - 3 vụ khoảng 11.000 - 12.000 ha; Tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày, ưu tiên phát triển các loại cây ăn quả đặc thù có lợi thế của địa phương như: cây nho (khoảng 2.000 ha), cây táo (khoảng 1.200 ha); nâng cao chất lượng đàn gia súc, phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tập trung gắn với công nghiệp chế biến, nâng tỷ lệ sinh hóa đàn bò trên 50%, đàn dê, cừu lai tạo giống mới trên 90% và tỷ lệ nạc hóa đàn heo trên 90%.

3.2. Về lâm nghiệp: Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng, đi đôi với thực hiện có hiệu quả trồng rừng sản xuất, trồng rừng thay thế nhằm bảo đảm độ che phủ rừng, góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống người dân trong phát triển kinh tế rừng. Phấn đấu độ che phủ rừng đạt 50% vào năm 2020.

3.3. Về thủy sản: Phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, phát triển vùng sản xuất giống tập trung An Hải, Nhơn Hải và nghề nuôi tôm thịt gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu; đẩy mạnh nghề khai thác thủy sản xa bờ; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân trên 8%/năm. Mục tiêu đến năm 2020 sản lượng tôm giống trên 36 tỷ con giống, diện tích nuôi tôm đạt 1.100 - 1.200 ha, sản lượng tôm thương phẩm trên 12.000 tấn, sản lượng khai thác hải sản ổn định 70 - 75 ngàn tấn/năm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao chiếm trên 20%, sản lượng khai thác ở vùng khơi, xa bờ chiểm 65% tổng sản lượng khai thác, trong đó chiếm trên 60% nguyên liệu đưa vào chế biến.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thành lập các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, giống thủy sản chất lượng cao.

 4. Về công nghiệp

 

 

 

 

 

 Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, thu hút phát triển công nghiệp theo hướng chú trọng các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng; triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến cùng với năng lượng tạo động lực để tăng trưởng bức phá kinh tế của Tỉnh, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 19 - 20%/năm.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế của địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ như công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống với nguồn nguyên liệu chủ động và là những sản phẩm có lợi thế của địa phương, hình thành nhà máy chế biến tôm quy mô 10.000 tấn/năm, nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm; phát triển nhà máy sản xuất rượu nho gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái, quy mô 2 - 3 triệu lít/năm.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp: giai đoạn 2016 - 2020 quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện để mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp quy mô lớn theo hướng tập trung như chế biến thủy sản, chế biến nước mắm, chế biến nông sản; ưu tiên hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng một số cụm công nghiệp Tri Hải (Ninh Hải), Hiếu Thiện (Thuận Nam), Phước Tiến (Bác Ái), Quảng Sơn (Ninh Sơn). Tạo thuận lợi thu hút các dự án sản xuất công nghiệp để lấp đầy khoảng 60% Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và Khu công nghiệp Thành Hải; Xúc tiến triển khai KCN Cà Ná.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản; nhà máy chế biến các sản phẩm từ nho; nhà máy chế biến thịt gia súc gia cầm.

5. Xây dựng và kinh doanh bất động sản, phát triển các đô thị mới

 

 

 

 

  Phát triển ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh, hình thành những doanh nghiệp xây dựng có quy mô lớn, mạnh về tài chính, trình độ kỹ thuật cao, có nguồn nhân lực đảm bảo tính cạnh tranh đủ khả năng triển khai các công trình, dự án có quy mô lớn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các quy hoạch phát triển đô thị; hình thành các khu đô thị tập trung ven biển có quy mô hợp lý và các trung tâm kinh tế vùng; tiếp tục tập trung phát triển đô thị Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị thương mại-dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh ”xanh - sạch - đẹp”; quan tâm đầu tư nâng cấp thị trấn Tân Sơn - Ninh Sơn đạt đô thị loại 4, thị trấn Phước Đại và Lợi Hải; từng bước hình thành khu trung tâm hành chính Tỉnh, trước mắt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư dự án; chú trọng quản lý quy hoạch phát triển nông thôn mới bảo đảm bản sắc văn hóa, quan tâm đầu tư hạ tầng khu dân cư tập trung đáp ứng yêu cầu và tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển nhiều loại hình nhà ở, văn phòng cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhà ở của Nhân dân; phấn đấu đến năm 2020 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 20m2 sàn/người.

Phát triển đô thị theo hướng hình thành hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, tận dụng lợi thế về địa kinh tế của Tỉnh và phát huy thế mạnh của từng vùng để hình thành các khu đô thị tập trung, các trung tâm kinh tế có quy mô hợp lý gắn quá trình đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, kết hợp cải tạo với xây dựng mới, lấy đô thị trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm làm động lực, phát triển các đô thị vệ tinh ở các vùng huyện. Phấn đấu đến năm 2025, toàn Tỉnh có 10 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV và 07 đô thị loại V.

  Phát triển mạnh dịch vụ kinh doanh bất động sản, từng bước hình thành thị trường bất động sản đưa vào thị trường chung của cả nước; phát triển thị trường bất động sản bao gồm dịch vụ môi giới, cho thuê bất động sản, phát triển thị trường trung gian cung cấp các dịch vụ mua bán bất động sản đã qua sử dụng và phát triển dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng các công trình xây dựng, chống xuống cấp.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng các khu, cụm công nghiệp; Xây dựng hạ tầng giao thông; dự án xử lý chất thải; Xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại quy mô lớn; Bệnh viện chuyên khoa tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển; Xây dựng các tòa nhà cao ốc, các khu chung cư cao cấp.

6. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Thực hiện tốt chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy và học, đi đôi với bố trí sắp xếp lại hệ thống trường lớp học, đội ngũ giáo viên, phân luồng tiếp nhận học sinh, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả sau đầu tư.

 Mở rộng mạng lưới đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo yêu cầu hội nhập, từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các tỉnh trong khu vực trên một số lĩnh vực Tỉnh có lợi thế; chủ động đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài thành lập các trường đại học trên địa bàn Tỉnh, đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Triển khai thực hiện chủ trương về xây dựng Trường Đại học Ninh Thuận bảo đảm hoàn thành các bước công việc theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra.

Phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở đào tạo hiện có và xúc tiến mời gọi đầu tư thành lập các cơ sở đào tạo có thương hiệu tại Tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, khuyến khích mở các loại hình trường ngoài công lập ở các cấp học, nhân rộng mô hình trường bán trú dân nuôi, trung tâm học tập cộng đồng để thưc hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thành lập các Trường đại học, Trường dạy nghề tiêu chuẩn quốc tế các lĩnh vực năng lượng, cơ khí chế tạo và du lịch.

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG

1. Hạ tầng giao thông

(1) Ưu tiên đầu tư một số tuyến giao thông quan trọng, tạo kết nối với các tỉnh trong vùng và cả nước.

(2) Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, trong đó giai đoạn 2017 - 2022 có đầu tư đoạn Cam Lâm - Phan Thiết qua tỉnh Ninh Thuận; Phát triển mạng lưới giao thông kết nối với các hành lang Quốc lộ 1 và tuyến đường ven biển, trọng tâm ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường 21 tháng 8, đường đôi vào hai đầu thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam), tuyến đường vành đai Tỉnh, các tuyến đường liên huyện kết nối với 2 hành lang QL 1 và đường ven biển, một số tuyến đường giao thông đến các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung;

(3) Khuyến khích đầu tư phát triển cảng tổng hợp Cà Ná đủ sức tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn và nâng cấp cảng hàng hóa Ninh Chữ để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn; các cảng chuyên dùng phục vụ du lịch gồm: Bình Tiên - Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ, Mũi Dinh để tiếp nhận các tàu du lịch trong nước; nâng cấp và mở rộng các cảng cá: Cà Ná, Đông Hải và Ninh Chữ kết hợp làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền, quy mô mỗi cảng từ 500 - 1.000 chiếc và có khả năng tiếp nhận tàu có công suất từ 500 - 1.000 CV.

2. Hạ tầng thủy lợi và các công trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch đảm bảo đồng bộ từ các công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương nội đồng; thực hiện đấu nối liên thông các hồ chứa để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phấn đấu tăng năng lực tưới đạt 60% vào năm 2020; huy động mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư một số hồ chứa lớn như hồ Tân Giang II, Sông Than, hồ Đa Mây, hồ Kiền Kiền, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; triển khai xây dựng đập hạ lưu Sông Dinh và hệ thống kênh mương cấp II, III để phát huy tốt nhất hiệu quả các hồ chứa đã đầu tư. Tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư theo mô hình “hệ thống thủy - lâm kết hợp” nhằm mục tiêu gắn thủy lợi với trồng rừng, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

 

3. Hệ thống cấp nước và thoát nước

Mở rộng và nâng cấp mạng lưới cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các đô thị trong Tỉnh; đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải cho các KCN.

4. Cấp điện

Nâng cấp và phát triển mạng lưới điện trên địa bàn Tỉnh, bảo đảm 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, đáp ứng 100% nhu cầu về điện sản xuất phù hợp với quy mô sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp.                           

Phát triển lưới điện đấu nối các nguồn nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, thủy điện tích năng nối với hệ thống điện quốc gia và mạng lưới cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

5. Thông tin và truyền thông

Triển khai Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đến năm 2020 của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế địa phương hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng môi trường sống tốt, trọng tâm là hiện đại hóa hạ tầng bưu chính, viễn thông có độ bao phủ rộng khắp với dung lượng lớn, hình thành một mạng lưới thông tin có chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng. Nâng cao chất lượng họat động các điểm bưu điện văn hóa xã.

    46 người đang online
    °