Sau gần 5 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Không chỉ duy trì sự ổn định và tăng trưởng ấn tượng, quy mô kinh tế của tỉnh đã mở rộng gấp 1,7 lần, đưa Ninh Thuận vươn lên nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình của cả nước. Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh 5 năm qua chính là sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 17,1%/năm, ngành công nghiệp đã khẳng định vai trò trụ cột trong quá trình phát triển của tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ đạt con số ấn tượng 24.019 tỷ đồng, gấp 3,17 lần so với năm 2020, đóng góp gần 34% vào GRDP và 3,9% vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Điện gió, điện mặt trời xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: V.M
Trong bức tranh khởi sắc đó, năng lượng tái tạo là điểm sáng không chỉ mang lại nguồn năng lượng sạch mà còn phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất đầy nắng gió. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đã trở thành hiện thực sinh động. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đến cuối năm 2024, Ninh Thuận đã có 57 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất gần 3.750MW đi vào vận hành thương mại, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ kWh. Dự kiến đến cuối năm 2025, con số này sẽ tăng lên khoảng 4.350MW, sản lượng đạt khoảng 9,2 tỷ kWh, tăng gần gấp đôi so với năm 2020 và chiếm 18% tổng công suất lắp đặt điện của cả nước. Ngành năng lượng tái tạo không chỉ mang lại nguồn điện sạch mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh, ước chiếm 24,6% GRDP và trên 25% tổng thu ngân sách. Hạ tầng truyền tải điện cũng được đầu tư đồng bộ và hiện đại, với các công trình trọng điểm như đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, 220kV mạch kép Ninh Phước - 500kV Thuận Nam, 220kV Nha Trang - Tháp Chàm... Ninh Thuận cũng đang tích cực triển khai các dự án năng lượng động lực khác như điện khí LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Phước Hòa, Bác Ái và xây dựng Đề án thành lập trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, mở ra những cơ hội phát triển mới trong tương lai.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý dự án Điện 3 triển khai thi công Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái– giai đoạn 2 thuộc địa bàn xã Phước Tân và Phước Hòa (Bác Ái). Ảnh: Văn Nỷ
Song song với sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư và hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Hiện tại, tỉnh đã hình thành 4 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.870ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đến năm 2024 đạt 28% và dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 6.700 lao động. Các dự án động lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Cảng tổng hợp Cà Ná, dự án LNG Cà Ná đang được đẩy nhanh tiến độ, hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế biển của tỉnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có những chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, gắn với nguồn nguyên liệu và sản phẩm đặc thù của địa phương. Nhiều dự án mới đã được thu hút đầu tư như nhà máy chế biến nha đam, rong sụn, nước giải khát, dệt may, sản xuất mỡ bôi trơn, đồ gỗ, than sinh học...

Hoạt động sản xuất của công nhân Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương ở Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc). Ảnh: P.N
Đặc biệt, tỉnh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp mới và công nghệ cao như tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, sản xuất hydro, nghiên cứu chế tạo thiết bị ngành năng lượng tái tạo... Tỉnh cũng chú trọng duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cơ cấu lại công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 17-18%/năm, nâng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP lên 40%. Với mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển khâu đột phá về năng lượng, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, trọng tâm là công nghiệp xanh - Net Zero, trung tâm sản xuất chip bán dẫn, công nghệ AI, trung tâm dữ liệu quốc gia và khu vực. Tỉnh cũng chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành sử dụng công nghệ hiện đại, sạch, xanh và thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp luyện kim và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành năng lượng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và nâng cao tỷ lệ lấp đầy.
Với những định hướng chiến lược rõ ràng và những bước tiến vững chắc, Ninh Thuận đang vươn mình trở thành một trung tâm công nghiệp năng động, hiện đại của cả nước. Sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp không chỉ mang lại những con số tăng trưởng ấn tượng mà còn tạo ra những cơ hội mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho vùng đất đầy tiềm năng này.