Nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đột phá, tập trung vào hai lĩnh vực chính là năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Năm 2024 đánh dấu một năm tăng tốc và bứt phá của Ninh Thuận, hướng tới hoàn thành các mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Kết quả, ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp ước tăng 14,09%, đứng thứ 19 trên cả nước, đóng góp 3,23% vào GRDP của tỉnh. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,46%, đóng góp 2,36%, ngành chế biến chế tạo tăng 13,84%, đóng góp 0,62% vào GRDP. Đây là hai trong số năm ngành quan trọng mà tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025.

Chế biến sản phẩm nha đam tại Nhà máy Vietfarm (Khu công nghiệp Thành Hải). Ảnh: Anh Tuấn
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết: Năm 2025, mục tiêu nghị quyết đề ra cho ngành công nghiệp là đạt tăng trưởng từ 23-24%. Để đạt được mục tiêu này, ngành công thương đã đề xuất các giải pháp đột phá nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất cho giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong năm 2025. Các giải pháp này dựa trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; tập trung triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 13/9/2023 của Tỉnh ủy và các nghị quyết của trung ương, Tỉnh ủy về nhiệm vụ năm 2025, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án để tổ chức triển khai hiệu quả. Đồng thời, chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến, dự báo sát tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới và trong nước, để chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng ngành công nghiệp. Nghiên cứu ban hành các nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành theo đúng trọng tâm, trọng điểm.
Về năng lượng, mục tiêu phấn đấu giá trị gia tăng năm 2025 tăng từ 21-22% theo kế hoạch. Các giải pháp cụ thể bao gồm: Phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục để khởi công các dự án thủy điện tích năng Phước Hòa và khởi công công trình chính thủy điện tích năng Bác Ái (giai đoạn 2). Thường xuyên nắm bắt thông tin, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để sớm khởi công và đầu tư hoàn thành 10 dự án điện gió với tổng công suất 371,2MW. Tiếp tục rà soát, phối hợp cung cấp thông tin về tiềm năng và thực trạng phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh để Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung nguồn vào Quy hoạch điện VIII. Tham mưu nguồn kinh phí triển khai hai dự án quan trọng: Dự án LNG Cà Ná và Đề án xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận. Tham mưu triển khai các quy định về khung giá, cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo; triển khai phát triển mạng lưới điện 500kV, 220kV, 110kV theo quy hoạch. Tiếp tục phối hợp kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII; nhà máy sản xuất hydrogen. Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế, chính sách điện, ưu tiên đồng bộ từ quy hoạch nguồn điện, hạ tầng truyền tải; điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân; chính sách thu hút đầu tư công nghiệp sạch, các ngành công nghiệp phục vụ năng lượng sạch, dịch vụ phục vụ công nghiệp.

Nhà máy điện gió, điện mặt trời Phước Dinh (Thuận Nam).
Về công nghiệp chế biến, chế tạo, mục tiêu phấn đấu giá trị gia tăng năm 2025 tăng từ 30-31%. Các giải pháp cụ thể bao gồm: Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và biến động thị trường, các nguyên nhân tác động và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các thủ tục pháp lý, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đẩy nhanh các thủ tục để đủ điều kiện khởi công 4 cụm công nghiệp: Phước Tiến, Hiếu Thiện, Phước Minh 1, Phước Minh 2 và sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh vào cụm công nghiệp. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư dự án thứ cấp để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Khai thác các dự án thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành; phối hợp đôn đốc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hoàn thành trong năm 2025 để tạo năng lực mới, sản phẩm mới cho ngành. Phối hợp kêu gọi đầu tư các dự án: Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất hydrogen; cơ khí chế tạo, với quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu cao nhất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp, đóng góp tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025.