Ngày 15/01/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Hiện trạng những vấn đề đang là trở lực trong đào tạo nguồn nhân lực và giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Tham dự có đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Lê Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về giáo dục; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.
Quang cảnh Hội thảo
Việc tổ chức Hội thảo nhằm nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện và sâu sắc hiện trạng những vấn đề đang là trở lực trong đào tạo nguồn nhân lực; trên cơ sở đó, đề xuất những nhóm giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035 để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh Ninh Thuận. Tập hợp tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới có ý nghĩa hiện thực cao; giúp Ninh Thuận khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình; phục vụ cho văn kiện Đại hội Tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về “Phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực giai đoạn 2011 - 2020”; 04 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 19/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2020”; 03 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm ngày càng được nâng lên; nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, đã tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh; nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực được ban hành và triển khai thực hiện; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp được hình thành và vận hành khá tốt; các mô hình “đào tạo kép”, “đào tạo tại doanh nghiệp”, “đào tạo có địa chỉ” phát huy hiệu quả đào tạo.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nêu rõ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”; Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nêu nhóm giải pháp đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, trong đó có nhiệm vụ: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về số và chất lượng, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành trụ cột, trọng điểm, đột phá”. Thông qua Hội thảo này, Ủy ban nhân dân tỉnh rất mong muốn được lắng nghe, tiếp thu ý kiến quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục để phân tích, nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện và sâu sắc hiện trạng những vấn đề đang là trở lực trong đào tạo nguồn nhân lực; trên cơ sở đó đề xuất những nhóm giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035 để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh Ninh Thuận.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về văn hóa và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tập trung tham luận, thảo luận và đề xuất nhiều mô hình, giải pháp hay để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến phát biểu các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về giáo dục và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tại Hội thảo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét, bổ sung vào dự thảo văn kiện Đại hội Tỉnh đảng bộ.
Để khắc phục những vấn đề đang là trở lực trong đào tạo nguồn nhân lực tại tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ hội nhập, phát triển trong thời gian đến: (1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề lớn, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, xác định công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển nguồn nhân lực; (2) Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả lao động; đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Ưu tiên đào tạo lao động ngành năng lượng (các ngành điện, cơ khí, chế tạo các linh kiện điện, điện tử, gia công lắp ráp, cán bộ quản lý dự án). Phát triển nguồn nhân lực kinh tế đô thị gắn với nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong phát triển kinh tế - xã hội; (3) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực con người; (4) Nâng cao dân trí, chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; (5) Tiếp tục đổi mới, nâng cao giáo dục và đào tạo, đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có cơ chế thu hút nhân tài đặc biệt cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh vượt trội./.