Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”

Đăng ngày 01 - 09 - 2024
Lượt xem: 42
100%

Sáng ngày 31/8/2024, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

 

Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận

 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 02 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

    Để bước vào giai đoạn 3 - phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan nhà nước: (1) Tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; (2) Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; (3) Phát triển nhân lực số; (4) Các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.Khung bao gồm các nội dung chính: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.

Đối với tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo nâng cấp hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử, đã kết nối thông suốt, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tám tháng đầu năm 2024 có 20.204 lượt khai thác, sử dung), hệ thống định danh điện tử VNeID (đến nay có trên 49.424 tài khoản VNeID được đăng nhập, sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh, đạt 71,86%); toàn tỉnh có 1.087 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 580 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chiếm 53,8% và đạt 99,96% thủ tục hành chính đủ điều kiện (vượt 19,66% kế hoạch), đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia1.003/1.087 dịch vụ công trực tuyến, đạt 92.27%. Tám tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 179.153 hồ sơ trên Hệ thống, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến 137.792 hồ sơ, đạt 76,91% (vượt 1,91% kế hoạch). Đã giải quyết 175.971 hồ sơ, đúng và trước hạn đạt 99,83% (tăng 5,3% so năm 2023); đã thực hiện số hóa kết quả 171.183 hồ sơ, đạt 97,28%(vượt 7,28% kế hoạch).

Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; thẳng thắn nhìn nhận những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để hướng tới chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính 4 không: không giấy tờ, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không tiền mặt, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta, là công việc được đặc biệt quan tâm, thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, trên cả các trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến thời gian qua. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và bài học kinh nghiệm trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

    Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính; sớm tham mưu ban hành các nghị định, hướng dẫn thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, xanh hóa các dịch vụ công; đẩy mạnh tái cấu trúc các quy trình, tái sử dụng dữ liệu liên thông; phấn đấu hoàn thành cung cấp 53/53 dịch vụ công trực tuyến theo đề án 06. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước. Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả. Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; nâng cao chất lượng trung tâm dịch vụ hành chính công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng yếu thế…/.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Kiểm tra, giám sát kết quả xây dựng nông thôn mới huyện Ninh Sơn(31/08/2024 7:36 CH)

Tỉnh Ninh Thuận: Ban hành Phương án ứng phó với các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh(29/08/2024 8:24 SA)

Cấp Giấy phép môi trường Dự án khai thác khoáng sản vật liệu san lấp khu vực Núi Nai tại xã Phước...(29/08/2024 1:58 CH)

Hội nghị tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 và triển khai phương hướng,...(29/08/2024 11:43 SA)

Phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản trang bị khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ...(29/08/2024 10:11 SA)

    12 người đang online
    °