Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đăng ngày 10 - 07 - 2024
Lượt xem: 1.522
100%

 

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 25/6/2024, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị số 59-CT/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt Quyết định số 1319/QĐ-TTg); tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt Quy hoạch tỉnh); Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, về tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phố biến. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phố biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nắm bắt các quan điểm phát triển, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Thứ hai, về nội dung quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tập trung 7 quan điểm phát triển: (1) Quy hoạch phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước, vùng, phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; bảo đảm tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với hệ thống quy hoạch cấp quốc gia. (2) Phát triển nhanh gắn liền với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh. (3) Phát huy lợi thế địa lý của tỉnh là cửa ngõ kết nối các vùng để đẩy mạnh liên kết phát triển giữa Ninh Thuận với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Nam vùng Tây Nguyên và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng. (4) Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khác biệt để phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (5) Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn giáo dục, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển. (6) Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. (7) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.

- Về mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển KT-XH. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Toàn cảnh cơ sở hạ tầng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

- Tầm nhìn chiến lược: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”; đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

- Về các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển đó là:

+ Các nhiệm vụ trọng tâm: Giải quyết các khó khăn, vướng mắc có tính chất liên ngành trong quá trình phát triển thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển cũng như tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Đề xuất các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cho các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Đề xuất các giải pháp quy hoạch phát triển về năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản; kinh tế biển và kinh tế đô thị.

+ Các đột phá phát triển: Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đòn bẩy phát triển trên cơ sở kế thừa những giải pháp hiệu quả trong giai đoạn vừa qua; đồng thời xây dựng giải pháp mới để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khung tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng. Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý và sản xuất, đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử. Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng của tỉnh.

- Về Phương hướng phát triển, trong đó chú trọng:

+ Phát triển 5 nhóm ngành đột phá quan trọng gồm: (1) Phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo. (2) Phát triển các ngành du lịch chất lượng cao. (3) Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. (4) Phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (5) Phát triển ngành xây dựng và thị trường bất động sản.

+ Phát triển các ngành, lĩnh vực khác: (1) Phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. (2) Phát triển lĩnh vực lao động việc làm và an sinh xã hội. (3) Phát triển y tế. (4) Phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ. (5) Phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao. (6) Phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông. (7) Quốc phòng, an ninh.

+ Phương án tổ chức hoạt động KT-XH và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: (1) Tổ chức hoạt động KT-XH, các hoạt động KT-XH tỉnh theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển; (2) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023-2030 và Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030.

+ Các phương án khác: Quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Các nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; môi trường, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn; nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Thứ ba, về hình thức tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến. Mở hội nghị quán triệt, phổ biến; tổ chức hội nghị báo cáo viên; tổ chức phổ biến, tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ, các đoàn thể; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, báo chí; đăng tải trên cổng, trang thông tin điện tử, bản tin của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị; tuyên truyền trên internet, mạng xã hội; tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền cổ động trực quan bằng panô, áp phích, tờ gấp... Nghiên cứu bố trí một địa điểm thường xuyên để công khai quy hoạch cho công chúng.

Thứ tư, về tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đó là:

- Các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nắm bắt các quan điểm phát triển, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh và các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, địa phương. Quá trình quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định số 1319/QĐ-TTg cần chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong nhân dân để kịp thời chỉ đạo, định hướng tư tưởng, dư luận khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, đất đai, môi trường, các vấn đề về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, dân tộc, tôn giáo, sinh kế của nhân dân khi phải di dời, tái định cư... Chủ động đấu tranh, phản bác với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch tỉnh.

- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Định kỳ cuối năm, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) để theo dõi, chỉ đạo.

- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh gắn với xác định chương trình, đề án cụ thể, tiến độ, lộ trình và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện. Trong đó, lưu ý chú trọng đến các vấn đề mới, quan trọng, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh như: Phát triển năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon... Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm bắt các nội dung cốt lõi, ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch tỉnh đối với sự phát triển của địa phương trong giai đoạn tới. Định kỳ, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1319/QĐ-TTg về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.

- Đảng đoàn HĐND tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn quán triệt, phổ biến, tuyên truyền thực hiện Quyết định số 1319/QĐ-TTg và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tăng cường chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Quyết định số 1319/QĐ-TTg và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh để có chỉ đạo, định hướng kịp thời; đồng thời đấu tranh, phản bác với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh. Tham mưu công tác kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo quy định.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam tiếp và làm việc với Ban Lãnh đạo Tập đoàn MK Group (14/12/2024 4:22 CH)

Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng...(13/12/2024 9:40 SA)

Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận thu hút 1.214 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm 10...(05/12/2024 12:30 CH)

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển(03/12/2024 1:52 CH)

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công(29/11/2024 4:22 CH)

    40 người đang online
    °