- Báo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam ngày 28/4: "Ninh Thuận tạo đòn bẩy bứt phá từ phát triển năng lượng xanh". Chiều 27/4, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức "Hội thảo năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon". Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024. Trên 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, các tổ chức tài chính, tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí... Theo các quy hoạch được lập, điện gió trên đất liền tiềm năng phát triển đến năm 2030 hơn 1.429MW; điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, thủy điện tích năng tiềm năng phát triển 7.000MW... Ngoài ra, còn có các tiềm năng nguồn năng lượng khác thủy triều, điện sinh khối, sóng biển, hải lưu... Tại hội thảo, các tư liệu, luận cứ khoa học được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích để cùng chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm triển khai, tiêu chuẩn quốc tế về dự án hydro xanh và khu công nghiệp net zero, kinh nghiệm quốc tế hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, bao gồm giải pháp kỹ thuật và tài chính cho bất động sản công nghiệp, sản xuất hydro xanh từ thủy điện tích năng quy mô nhỏ và điện mặt trời, đánh giá lựa chọn công nghệ và thiết bị sản xuất hydro/amoniac xanh. Đồng thời, kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh và một số giải pháp để nghiên cứu phát triển cho các dự án sản xuất hydro dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, nhằm gia tăng giá trị và vai trò của ngành năng lượng sạch trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần đưa Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay... (https://baotintuc.vn/dia-phuong/ninh-thuan-tao-don-bay-but-pha-tu-phat-trien-nang-luong-xanh-20240427192214916.htm)
- Báo Công Thương ngày 27/4: "Ninh Thuận muốn hiện thực hoá các dự án Hydrogen". Ninh Thuận kỳ vọng các dự án Hydrogen không còn là câu chuyện trên giấy mà đi vào thực tế qua sự chung tay giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.Nhằm có thêm luận cứ và cơ sở khoa học cho định hướng phát triển hệ sinh thái năng lượng Hydrogen gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia trên địa bàn, chiều 27/4, Tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon”. Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện Hydrogen là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trong đó, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydro xanh, đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường. Theo ông Phạm Văn Hậu, Ninh Thuận mong muốn các dự án hydrogen sẽ được hiện thực hóa, không còn là câu chuyện trên giấy mà đi vào thực tế qua việc chung tay giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước. Để từ đó nhằm gia tăng giá trị và vai trò của ngành năng lượng sạch trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh... (https://congthuong.vn/ninh-thuan-muon-hien-thuc-hoa-cac-du-an-hydrogen-317176.html)
- Báo Đầu tư ngày 28/4: "Chủ tịch KOCHAM cam kết tiếp tục hỗ trợ Ninh Thuận thu hút đầu tư từ Hàn Quốc". Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) bày tỏ tin tưởng, thông qua hội nghị, quy hoạch tổng thể này sẽ đưa ra tầm nhìn quan trọng cho tương lai của tỉnh Ninh Thuận, hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng. Theo Chủ tịch KOCHAM, Ninh Thuận là địa phương có nguồn tài nguyên thiên phong phú và không cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào giúp tỉnh Ninh Thuận có tiềm lực phát triển trở thành trung tâm năng lượng thân thiện đối với Việt Nam. Ông Hong Sun cũng tự tin rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển các dự án về năng lượng dựa trên kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến... (https://baodautu.vn/chu-tich-kocham-cam-ket-tiep-tuc-ho-tro-ninh-thuan-thu-hut-dau-tu-tu-han-quoc-d214067.html).
- Báo Tài nguyên và Môi trường ngày 28/4: "Ninh Thuận: Hướng đến “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon". Chiều 27.4, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon”. Đây là hoạt động trong khôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, các tổ chức tài chính, tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo... Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hiện nay, việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải các-bon thấp, hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch. Hydrogen sạch được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Trong số đó, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải các-bon để sản xuất hydrogen xanh. Đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường... Nắm bắt nhu cầu hydrogen và tiềm năng năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận, Trungnam Group đang nghiên cứu và phát triển mô hình Khu phức hợp Năng lượng xanh tại tỉnh Ninh Thuận quy mô lên tới 4.247 ha với ba hợp phần gồm Nhà máy hydrogen xanh Cà Ná; tổ hợp năng lượng tái tạo cấp nguồn; tổ hợp cảng xuất hàng lỏng. Dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2030, hoàn thành toàn bộ năm giai đoạn vào năm 2046. Cùng đó, triển khai xây dựng khu công nghiệp xanh - Khu công nghiệp Cà Ná, huyện Thuận Nam với diện tích 827,2 ha với định hướng thu hút đầu tư và sẽ cùng với các đối tác phát triển khu công nghiệp theo hướng sử dụng năng lượng xanh và hoạt động sản xuất chọn lọc phù hợp tiêu chí xanh, bền vững... (https://baotainguyenmoitruong.vn/ninh-thuan-huong-den-nang-luong-xanh-hydro-xanh-va-khu-cong-nghiep-trung-hoa-carbon-373595.html)