Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đăng ngày 29 - 11 - 2024
Lượt xem: 432
100%

 

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tuy nhiên, hiện nay tại một số dự án tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Từ nay đến cuối năm, thời gian còn lại rất ít và nguồn vốn còn khá lớn, do đó cần phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ.

Một trong những dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân chậm đó là dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn 1.494,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2022-2025. Trong đó, kế hoạch năm 2024 dự án được bố trí 150 tỷ đồng, đã giải ngân đến ngày 31/10 hơn 977,1 triệu đồng, trong đó kế hoạch năm 2024 giải ngân 102,12 tỷ đồng/150 tỷ đồng, đạt 68,1% kế hoạch. Mặc dù dự án đã thi công hoàn thành dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận dài 22,3km. Tuy nhiên, đối với dự án thành phần 2 - đường từ xã Ma Nới đi ngã tư Tà Năng (40,14km) gặp khó khăn do công tác chuyển đổi đất rừng, tận thu lâm sản để có mặt bằng thi công. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, hiện còn lại khoảng 17km (địa phận Ninh Thuận 15km và Lâm Đồng 2km) vẫn đang cần được giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công hoàn thiện. Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Nguyên nhân giải ngân còn thấp do dự án vướng công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt là công tác tận thu lâm sản trên địa phận tỉnh Ninh Thuận đang triển khai thực hiện chậm, mặt bằng thi công chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đó khu vực thực hiện dự án đang bước vào mùa mưa, địa hình tại khu vực phức tạp nên gây ra nhiều khó khăn đối với công tác tổ chức triển khai thi công trên tuyến mới và công tác thảm bê tông nhựa mặt đường, do đó ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của dự án. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn và chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp, hỗ trợ đơn vị khai thác tận thu lâm sản nhằm có mặt bằng bàn giao thực hiện dự án.

Các đơn vị thi công đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng (Đức Trọng).

Hay dự án kênh đường ống cấp II, III thuộc hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ với 361 tuyến kênh dài hơn 139km phục vụ tưới cho gần 3.000ha. Được triển khai từ năm 2022 và dự kiến kết thúc năm 2025 nhưng cũng đang gặp khó khăn về thu hồi đất. Dự án có tổng mức đầu tư 366,187 tỷ đồng, đã bố trí 112,6 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ mới giải ngân được 66 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2024 mới giải ngân 17,04 tỷ đồng/47 tỷ đồng, đạt 36,3% kế hoạch. Hiện nay, dự án vẫn đang tiến hành công tác bồi thường, GPMB, chưa triển khai thi công, do diện tích trải dài qua nhiều tuyến, nhiều địa phương, thời gian kéo dài, cần phải đẩy nhanh công tác bồi thường để có mặt bằng thi công.

Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến ngày 20/11, toàn tỉnh đã giải ngân 2.292 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 73,8% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tình hình thực hiện đầu tư công tuy có chuyển biến, số vốn giải ngân tăng và tỷ lệ giải ngân cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 59%, trong đó vốn sự nghiệp đạt 42,5%. Một số dự án có tiến độ triển khai còn chậm chưa đảm bảo kế hoạch đề ra, công tác GPMB còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là do một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với nhà thầu hoàn tất hồ sơ thanh, quyết toán làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân. Công tác bồi thường GPMB một số dự án còn vướng mắc; việc xác định giá đất còn chậm. Một số chủ đầu tư chưa chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án và giải ngân kế hoạch vốn; chưa xử lý hoặc tham mưu xử lý triệt để tình trạng nhà thầu chậm tiến độ, không phối hợp thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đường Ma Nới (Ninh Sơn) đi Tà Năng huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Trần Ngọc Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Ngoài đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới để có cơ sở giao kế hoạch vốn; điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, UBND tỉnh cũng đã thành lập 3 tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng, tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế tại các công trình trọng điểm, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án; tổ chức họp giao ban hằng tháng, quý về giải ngân đầu tư công, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, tháo gỡ khó khăn thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng công trình, dự án theo từng mốc thời gian cụ thể. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và ưu tiên bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành; các đơn vị, địa phương hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết toán dự án để bố trí vốn thanh toán theo quy định.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam tiếp và làm việc với Ban Lãnh đạo Tập đoàn MK Group (14/12/2024 4:22 CH)

Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng...(13/12/2024 9:40 SA)

Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận thu hút 1.214 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm 10...(05/12/2024 12:30 CH)

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển(03/12/2024 1:52 CH)

Ninh Thuận đã thu hút được 472 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 238.000 tỷ đồng(28/11/2024 3:03 CH)

    32 người đang online
    °