Ngày 14/11/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh có đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong 10 tháng năm 2023, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách hành chính. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, kết quả cải cách hành chính đã đạt được tích cực tại các nội dung.
Tại phiên họp, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các doangh nghiệp và các tỉnh, thành phố phát biểu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của cải cách hành chính với sự phát triển của đất nước, trong đó cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số, để tạo đột phá. Các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp. Khẩn trương triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước, triển khai kịp thời, đẩy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023; Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…
Đối với tỉnh Ninh Thuận, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới... Trong 10 tháng đầu năm 2023 đã triển khai và có kết quả toàn diện trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 05-NQ/TU và Chỉ thị số 39-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công và các thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tiếp tục đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoàn thiện vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức gắn với tinh giảm biên chế giai đoạn 2022-2026. Hoàn thành công tác chuẩn bị để đưa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động. Triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2026. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, các đoàn thể và Nhân dân đối với việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương...