Ngày 27/01/2022, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động số 59-CTr/BCSĐ về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực của các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Sau 9 tháng triển khai, thực hiện Chương trình hành động, đạt được những kết quả như sau:
Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức số: Các cơ quan báo chí, trong và ngoài tỉnh tích cực đưa tin tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng các thông tin, mô hình thí điểm về chuyển đổi số, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng Tạp chí chuyển đổi số (01 số/tháng), các Đài truyền thanh huyện mở Chuyên mục chuyển đổi số phát sóng vào ngày thứ sáu và thứ bảy của tuần thứ tư trong tháng; ký kết hợp tác với 03 cơ quan báo chí để triển khai các nội dung tuyên truyền quảng bá của tỉnh, trong đó có nội dung tuyên truyền về chuyển đổi số; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp tổ chức thành công Hội thảo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, với hơn 400 doanh nghiệp tham dự; Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tập đoàn FPT, Viettel Ninh Thuận, VNPT Ninh Thuận để tư vấn về chuyển đổi số ngành y tế, ngành tài nguyên và môi trường; Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hội nghị tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho hơn 30 cán bộ Đoàn, đoàn viên; triển khai chương trình chuyển đối số cho cán bộ Đoàn, đoàn viên trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2022.
Về kiến tạo thể chế số: Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành hơn 20 Chương trình/Kế hoạch để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; có 02 Sở đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số; 02 đơn vị ban hành văn bản hướng dẫn tuyên truyền Nghị quyết số 09-NQ/TU; 16 đơn vị đã ban hành Chương trình/Kế hoạch triển thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU; 18 đơn vị đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số năm 2022.
Về hạ tầng số; Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện đã triển khai 6 trạm 5G, là một trong 22 tỉnh được triển khai trên toàn quốc; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh 104,78%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 72,34%; tỷ lệ điện thoại đạt 115,3 máy/100dân; tỉ lệ internet đạt 97,3 máy/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng 51,32%; đã trang bị 768 máy tính bảng thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Về nhân lực số: Số lượng công chức, viên chức (CCVC) chuyên trách về công nghệ thông tin của tỉnh hiện có 52 người; 04 CCVC chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) đã tham gia lớp khóa bồi dưỡng đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số; đã đăng ký tham gia chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đối tượng lãnh đạo UBND cấp xã, với số lượng 185 người; tính đến tháng 9/2022 đã thành lập 144 Tổ công nghệ số cộng đồng, với tổng số 619 người.
Về an toàn thông tin: Triển khai hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cho các hệ thống thông tin Chính quyền số theo mô hình 04 lớp, đã được kết nối, chia sẻ giám sát, chia sẻ thông tin về mã độc cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc theo quy định. tính đến tháng 9/2022, không có sự cố tấn công mạng tại tỉnh; 100% (27/27) hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước (CQNN) được phê duyệt theo cấp độ, 100% hệ thống thông tin trong CQNN được triển khai phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt. Tất cả hệ thống thông tin CQNN có 100% máy chủ, máy trạm được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc.
Về chính quyền số: Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đã được kết nối từ Trung ương đến cấp xã, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số. Đến nay, đã triển khai kết nối đến 96 đơn vị phục vụ truy cập các phần mềm dùng chung tại các cơ quan, đơn vị từ tỉnh, huyện đến xã; xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) phục vụ cho việc gửi nhận văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đã thực hiện kết nối với 10/13 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia thông qua trục NGSP.
Về cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư: Tính đến tháng 9/2022, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan gấp rút, quyết liệt triển khai kết nối, khai thác dữ liệu dân cư. Về CSDL đất đai: Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính của 18 xã/phường, với 128.349 thửa đất.
Về Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành: Việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng đạt 98,65% đối với cấp tỉnh, 90,26% đối với cấp huyện và 69,30% đối với cấp xã. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/8/2022, tổng số văn bản đi/đến toàn tỉnh là 613.199 văn bản, trong đó có 152.859 văn bản đi (tăng 0,23%) và 460.340 văn bản đến (tăng 0,12%).
Về Cổng dịch vụ công trực tuyến: Tính đến tháng 9/2022 có 1.766 dịch vụ công mức độ 3,4 đạt 100%, trong đó mức độ 4: 1.757, đạt 99,49%; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.508 TT/1.766 đạt 85.39%. Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 141.337 hồ sơ trên hệ thống gấp 355,54 lần so với năm 2021 (39.753 hồ sơ). Đã giải quyết 133.206 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng và trước hạn đạt 99,64%; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua mạng 12.484/141.337 hồ sơ, đạt 8,3%.
Về hệ thống thông tin báo cáo: Đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin kinh tế xã hội của tỉnh và kết nối với Hệ thống báo cáo của Chính phủ theo quy định. UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý khai thác và vận hành Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay đã thực hiện số hóa 410 biểu trong đó: 2 biểu liên thông văn phòng chính phủ và 408 biểu địa phương.
Về nền tảng tích hợp kho dữ liệu dùng chung: Đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu dùng chung của tỉnh để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu dùng chung của tỉnh, đang tích hợp các CSDL tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đến nay đã tích hợp được hai CSDL vào nền tảng lõi.
Về hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến: Thực hiện 100% cuộc họp qua hội nghị truyền hình giữa UBND tỉnh với các CQNN, UBND cấp huyện, cấp xã. Đã kết nối liên thông 4 cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện và 65/65 xã, phường, thị trấn.
Về hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc không giấy tờ: Đã triển khai hệ thống đến Tỉnh ủy, tất cả các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Đến nay, UBND tỉnh thực hiện 178 cuộc họp và Tỉnh ủy 05 cuộc họp qua hệ thống. Năm 2022, triển khai hệ thống cho HĐND các huyện, thành phố.
Về hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC): Hệ thống IOC của tỉnh đã được kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để theo dõi, giám sát, tiếp nhận, điều phối, xử lý, tổng hợp, cung cấp thông tin cho người dân và chính quyền. Hiện nay, đang triển khai xây dựng phần mềm Smart Ninh Thuận tích hợp 5 hệ thống (DVC, Du lịch, giám sát hồ đập và cảnh báo lũ, PAHT, hạ tầng ngầm đô thị) và dự kiến đưa vào vận hành vào cuối quí III/2022.
Về Chương trình trợ lý ảo: được triển khai thí điểm hệ thống tổng đài tự động giải đáp ý kiến phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công tỉnh Ninh Thuận; triển khai kết nối Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường (Hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về hoạt động kinh tế số: Có 31 doanh nghiệp đã lên các sàn thương mại điện tử và 4 doanh nghiệp đang chờ Cục Xúc tiến thương mại xét duyệt; đã thực hiện thu thập thông tin và mở 17.542 tài khoản mua/bán trên sàn Postmart, có 61 gian hàng (tài khoản bán) với 195 sản phẩm; phổ biến, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho 100% hộ có tài khoản bán; có 654 doanh nghiệp. Tổng doanh thu trong lĩnh vực CNTT, viễn thông năm 2021: 1.321.647 triệu đồng (chiếm 3,3% tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) chủ yếu từ hoạt động sản xuất phần mềm, cung cấp dịch vụ, phân phối sản phầm, dịch vụ CNTT; 100% doanh nghiệp đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, hơn 90% doanh nghiệp đã cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử; các nền tảng số; hỗ trợ triển khai đến cho khoảng 250 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Cục thuế tỉnh đã tổ chức triển khai kết nối đăng ký thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT) đạt 100% toàn tỉnh về số doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn giấy sang sử dụng HĐĐT.
Về hoạt động xã hội số: Ngành giáo dục thực hiện đầu tư và triển khai các phần mềm hỗ trợ giáo dục và dạy học; lĩnh vực Y tế có 23,9% người dân cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và 17/72 cơ sở y tế cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã sử dụng 100% phần mềm Quản lý khám chữa bệnh trong công tác khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu, giám định bảo hiểm y tế; tính đến tháng 9/2022, Hệ thống phản ánh hiện trường đã tiếp nhận 416 phản ánh, nâng tổng số phản ánh hiện trường 1.548 phản ánh. Hầu hết các câu trả lời được đa số người dân đồng tình; người dân số có tài khoản thanh toán điện tử: 38,1%, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử: 24,8%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 90%.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh cao hơn mục tiêu chung của cả nước, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐCĐS và Kế hoạch số 1297/KH-BĐHCĐS ngày 30/3/2022 về việc triển khai thực hiện Chuyển đổi số năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.