Để triển khai Năm An toàn giao thông 2022 và chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” đạt hiệu quả. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch tổ chức “Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2022”, với mục đích để biểu dương, tôn vinh, động viên khen thưởng kịp thời những tác giả, tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung, hình thức, tác động và lan tỏa tích cực tới xã hội trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; qua đó cổ vũ động viên các cơ quan báo chí, các nhà báo… tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững trên toàn quốc. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, tên gọi của Giải thưởng: “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2022”; thời gian nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày công bố Kế hoạch tổ chức Giải thưởng “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2022” đến 16 giờ 30 phút ngày 30 tháng 10 năm 2022; Tác phẩm báo chí dự Giải thưởng bao gồm các thể loại như: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, phóng sự, bút ký báo chí, ảnh… thuộc loại hình báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và ảnh báo chí. Đối tượng tham dự Giải: Bao gồm tất cả các công dân Việt Nam (cá nhân hoặc nhóm tác giả). Quy định về tác phẩm là các tác phẩm có nội dung phù hợp theo quy định của Giải thưởng. Tác phẩm dự Giải thưởng phải được đăng hoặc phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình) của cơ quan báo, đài được cấp phép hoạt động và đăng tải trong thời gian kể từ ngày 15/11/2021 đến ngày 30/10/2022.
Để phổ biến rộng rãi và vận động các cơ quan báo chí và nhà báo cùng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia Giải thưởng, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Giải thưởng; Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí để nâng cao nhận thức của toàn thể Nhân dân, các cấp chính quyền về chấp hành pháp luật an toàn giao thông, ngăn ngừa tai nạn giao thông. Trong đó quan trọng là việc phản ánh thực trạng, giải pháp, nguyên nhân và những sáng kiến trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không (về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; chính sách và thực thi chính sách về an toàn giao thông; ý thức người tham gia giao thông)./.