Cơ sở hạ tầng

100%

1. MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG

Mạng lưới giao thông Ninh Thuận khá thuận lợi, có quốc lộ 1 chạy qua, quốc lộ 27 lên Đà Lạt và Nam Tây Nguyên, quốc lộ 27B chạy qua địa phận huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đến thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đường sắt Bắc Nam và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra, sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng hàng hóa Ba Ngòi (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước) thuộc tỉnh Khánh Hòa khá gần tỉnh Ninh Thuận (phạm vi khoảng 45 km đến 60 km), là một trong những điều kiện thuận lợi về giao thông để đến với Ninh Thuận.

Hệ thống cảng biển: gồm có 3 cảng cá: Đông Hải với cầu tàu dài 265 m, Cà Ná dài 200 m, cảng Ninh Chữ với cầu tàu dài 120 m và Bến cá Mỹ Tân, là nơi trú đậu cho  3.200 tàu thuyền đánh cá trong Tỉnh và các tỉnh vào trú bão an toàn, có khả năng tiếp nhận tàu có quy mô công suất đến 500 CV. Ngoài ra, Cảng biển tổng hợp Cà Ná – đã hoàn thành Bến 1A, chuẩn bị đưa vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu trên 300.000 tấn.

2. THỦY LỢI

Toàn Tỉnh đến nay có 22 công trình thủy lợi với tổng dung tích hồ  414,28  triệu m3, đồng thời đầu tư đồng bộ hơn 279 km kênh mương cấp II, III, tăng năng lực tưới 29.446 ha, nâng diện tích chủ động tưới lên  73.150 ha, đạt  60% tổng diện tích đất canh tác. Thời gian qua, Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 08 công trình thủy lợi lớn như hồ Lanh Ra, Bà Râu, sông Biêu, 05 hồ chứa thuộc hệ thống thủy lợi nhỏ và vừa với tổng dung tích khoảng 66,5 triệu m3 nước đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

Được sự đồng ý của Chính phủ, trong thời gian tới, Tỉnh sẽ triển khai xây dựng hệ thống liên thông hồ chứa (từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tới các hồ Bà Râu, sông Trâu, sông Sắt; từ hồ Sông Than tới hồ Lanh Ra; giữa hồ Tân Giang và Sông Biêu)nhằm tăng cường năng lực tưới cho các vùng sản xuất nông nghiệp, nước uống gia súc, cấp nước sinh hoạt cho người dân.

3. CẤP NƯỚC

Hiện tại có 04 hệ thống công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn tổng quy mô trên 120 ngàn m3/ngày - đêm gồm Nhà máy nước Phan Rang - Tháp Chàm quy mô 52.000 m3/ngày - đêm, nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam quy mô 30.000 m3/ngày - đêm, Nhà máy nước Tân Sơn quy mô 8.000 m3/ngày - đêm, Nhà máy nước Phước Dân quy mô 30.000 m3/ngày - đêm, cung cấp cho thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Hơn 60 hệ thống cấp nước từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm với quy mô từ 50 - 500 m3/ngày - đêm và các công trình nước tự chảy phục vụ cho khoảng 148 ngàn người.

Hiện nay tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch khoảng  98,5% và nông thôn đạt  trên 96%.

4. CẤP ĐIỆN VÀ TRUYỀN TẢI ĐIỆN

 Năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có  3.055,6 MW (Điện gió trên đất liền:  666,75 MW; Thủy điện vừa và nhỏ:  131,95 MW; Điện mặt trời:  2.256,85 MW) đưa vào vận hành, sản lượng điện phát lên lưới  trên 6.900 triệu kWh.

Đến nay 100% xã được phủ lưới điện quốc gia và hầu hết các hộ dân đều được dùng điện lưới. Nhiều công trình hạ tầng truyển tải, trạm biến áp được đầu tư hoàn thành; trong đó đặc biệt là lần đầu tiên của cả nước tư nhân đầu tư đường dân 500 Kv, góp phần giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.  

5. BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Mạng lưới bưu chính viễn thông của Tỉnh đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao như: mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN) cho Thành phố theo mô hình “một hệ thống, đa dịch vụ”.

6. CÁC DỊCH VỤ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ KHÁC (NGÂN HÀNG - TÍN DỤNG - BẢO HIỂM...)

Mạng lưới hoạt động Ngân hàng tại Tỉnh hiện nay gồm có 04 chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), 08 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), 03 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, với 33 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc, riêng NHNSXH có 65 điểm giao dịch xã (phường, thị trấn), với điểm phủ sóng dịch vụ ngân hàng toàn tỉnh và cung ứng vốn phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển mạng lưới ngân hàng và cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại hoá và tăng năng lực hoạt động quản trị và điều hành; đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng với công nghệ và chất lượng phục vụ được nâng cao; hoạt động thanh toán được an toàn và thông suốt, thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được mở rộng. Các ngân hàng có khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ. Ngoài ra, còn có các Quỹ: Đầu tư và Phát triển tỉnh, Bảo lãnh tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số Dịch vụ Bảo hiểm khác trên địa bàn Tỉnh.

 

    15 người đang online
    °