Sáng ngày 24/4/2024, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức Phiên họp lần thứ tám, trực tuyến với các địa phương. Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thành viên Uỷ ban Quốc gia.
Dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Điều hành về chuyển đổi số tỉnh; các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, quý I năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, về phát triển dữ liệu số, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin, tăng 213 triệu thông tin so với năm 2023.
Về phát triển hạ tầng số, có 80,2% số hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng, 100% số xã kết nối internet cáp quang, di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu của Viettel khai trương cung cấp dịch vụ ra thị trường với 2.400 racks.
Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, toàn quốc có 80,44% thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% thủ tục hành chính đủ điền kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Cổng dịch vụ công quốc gia có 13,2 triệu tài khoản người dùng; trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp; tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái xử lý lên Cổng dịch vụ công quốc gia trên 199,5 triệu thủ tục hành chính.
Về phát triển kinh tế số, theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Với mức tăng trưởng trên, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.
Về phát triển xã hội số, Bộ Công an cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắp chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân.
Về an toàn thông tin mạng, có 779/3.418 hệ thống được bảo vệ, đạt 22,8%.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ninh Thuận đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh; Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II và mạng BCAnet (ngành công an) đã được triển khai, kết nối từ Trung ương đến cấp xã; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 04 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào CSDLQG về dân cư. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm BTS; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 83,81%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng đạt 84,26%. Có 829 dịch vụ công trực tuyến, đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812/829 DVC toàn trình lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 97,95%, đã kết nối liên thông thủ tục hành chínhvới Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT, Bộ GTVT, Bộ TNMT. Tổng số thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến 484 thủ tục; Tổng số hồ sơ có thu phí, lệ phí 4.415 hồ sơ; có 619 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến. Trong năm đã tiếp nhận được 328.508 hồ sơ, trong đó có 273.500 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 83,26%. Hệ thống hồ sơ công việc được triển khai, liên thông văn bản 4 cấp, việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng đạt 98,90% cấp tỉnh, 96,52% cấp huyện và 94,89% cấp xã. Kinh tế số, xã hội số từng bước hình thành và phát triển, tỷ trọng kinh tế số đạt 9,56% GRDP của tỉnh. 100% doanh nghiệp đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, hơn 90% doanh nghiệp đã cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử, các nền tảng số. Hệ thống quản lý giáo dục được triển khai với 526 trường/4.584 lớp/135.076 học sinh; 23,9% người dân cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và 17/72 cơ sở y tế cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở cấp xã, thôn/khu phố (511 Tổ/3.279 thành viên) góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh. Công dân số từng bước được hình thành và phát triển.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung báo cáo, đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn và nguyên nhân. Cùng với đó, chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, bài học kinh nghiệm; các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, nhất là các giải pháp mang tính đột phá.
Hội nghị đã nghe các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu của 05 bộ,
ngành (Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo); 05 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Bình Phước, Bình Dương, Hải Phòng, Bình Thuận, Đồng Tháp) và 03 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, FPT).
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác triển khai chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đồng thời, đề nghị các ngành, các cấp khẩn trương triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2024 theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương bám sát Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia để triển khai các nhiệm vụ cụ thể; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai chuyển đổi số. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số…