Chỉ số năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) là một bộ chỉ số được xây dựng trên cơ sở đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm.
Kết quả đánh giá DDCI Ninh Thuận 2023 cho thấy, thời gian vừa qua các DN trên địa bàn tỉnh tuy đã có bước phục hồi so với năm 2021, 2022, nhưng nhìn chung vẫn phải đối mặt với hàng loạt những thách thức khó lường sau đại dịch COVID-19 và những tác động do ảnh hưởng từ tình hình chính trị và kinh tế thế giới. Tỷ lệ DN phải cắt giảm lao động chiếm trên 33%; có gần 38% số DN để sụt giảm lượng khách hàng mới so với cùng kỳ; có khoảng 55,38% DN sụt giảm doanh thu và gần 51,04% DN giảm lợi nhuận.
Qua khảo sát, các DN cơ bản đánh giá cao những nỗ lực nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của người đứng đầu chính quyền các cấp. Các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Cộng đồng DN có cảm nhận tích cực hơn về mức độ bình đẳng của môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần giúp cho cộng đồng DN vượt qua những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Điểm đáng chú ý năm nay đó là khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối đã thu hẹp, cho thấy chất lượng điều hành của các đơn vị đã có sự đồng đều hơn, các đơn vị nhóm cuối đang dần bắt kịp được với các đơn vị đứng đầu. Xét về các chỉ số thành phần, “Vai trò của người đứng đầu” và “Thiết chế pháp lý” là hai điểm mạnh nhất của năng lực điều hành tỉnh. Hai chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ DN” và “Cạnh tranh bình đẳng” tiếp tục là hai chỉ số có điểm thấp nhất trong năm nay. Đối với khối địa phương, chất lượng điều hành kinh tế cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện. Xét các chỉ số thành phần của DDCI Ninh Thuận 2023 khối địa phương, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” và “Tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất” tiếp tục là hai chỉ số còn nhiều hạn chế.
Trên cơ sở đánh giá của DN qua DDCI năm 2023, nhóm nghiên cứu khuyến nghị đối với khối các sở, ban, ngành tương tác thường xuyên, với nhiều DN cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của DN qua lăng kính DDCI, nghiêm túc rà soát phát hiện các bộ phận, phòng ban, cán bộ tác nhân trực tiếp đến kết quả xếp hạng thấp của đơn vị. Nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động cụ thể thay đổi chất lượng công vụ, kiểm soát chặt chẽ chi phí không chính thức thông qua minh bạch hóa và công khai thủ tục, quy trình. Đối với khối địa phương, UBND các huyện, thành phố rà soát siết chặt quy trình, chất lượng và kết quả công việc của cán bộ địa chính cấp xã, phường. Áp dụng toàn diện các biện pháp giám sát đa chiều, luân chuyển, bồi dưỡng, bổ sung mới để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của DN và người dân. Các địa phương cũng cần tiếp xúc, giải quyết dứt điểm các yêu cầu, các vấn đề khó khăn của DN.
Công chức bộ phận “Một cửa liên thông” huyện Ninh Phước giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.Ảnh: Tiến Mạnh
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhằm tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng thời đề ra những giải pháp đột phá để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của từng sở, ban, ngành, địa phương; qua đó duy trì, cải thiện đồng bộ, ổn định chỉ số PCI của tỉnh thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của mình, đặc biệt là người đứng đầu trong việc triển khai các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh của từng đơn vị. Tập trung phân tích những điểm nghẽn trong công tác điều hành nâng cao năng lực cạnh tranh tại từng cơ quan, đơn vị; xác định rõ nguyên nhân, đề ra những giải pháp đột phá giải quyết những nút thắt về thể chế, quy định, cách thức tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả và tạo sự chuyển biến cải cách mạnh mẽ, thực chất của hệ thống hành chính, phấn đấu điểm trung vị năm 2024 trung bình tăng khoảng 5 điểm. Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thay đổi chất lượng công vụ, kiểm soát chặt chẽ chi phí không chính thức thông qua minh bạch hóa và công khai tất cả thủ tục quy trình. Tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo bắt buộc đạt chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến năm 2023.
Nhìn chung, kết quả DDCI Ninh Thuận 2023 cho thấy tỉnh đang trên đà cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại; cải thiện chất lượng công vụ, kiểm soát chặt chẽ chi phí không chính thức; hỗ trợ và lan tỏa các sáng kiến, mô hình kinh doanh xanh, bảo vệ lợi ích của môi trường bền vững.