Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh

Chiều 20/02/2025, Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh để giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy. Dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương.

Theo báo cáo, những năm qua, tỉnh đã quan tâm xây dựng, triển khai, thực hiện nhiều chính sách thu hút, cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo nâng cao trình độ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao được Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các ngành, các cấp quan tâm; giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 40.099 người. Trong đó đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng được 3.713 người; Đào tạo trình độ Sơ cấp, dưới 3 tháng được 36.386 người. Cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục, đào tạo nghề được đầu tư nâng cấp, tổng vốn đầu tư trực tiếp cho lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo và Việc làm là 1.493 tỷ đồng; hơn 1.800 phòng học, phòng chức năng cho các trường phổ thông, mầm non trên địa bàn tỉnh.. từng bước đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Quy mô giáo dục được duy trì và chất lượng được nâng lên; mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng, các cơ sở đào tạo, dạy nghề được sắp sếp; đã từng bước đa dạng hóa ngành nghề, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế, của doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động; …đã thu hút học viên, sinh viên theo học, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao nguồn nhân lực của xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu dự họp đã nghe các thành viên Đoàn giám sát có ý kiến về báo cáo đánh giá; các Sở, ngành thông tin, giải trình một số nội dung liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các sở ngành, địa phương phải dự báo được nhu cầu lao động thời gian tới, nhất là nguồn lao động chất lượng cao của các ngành trọng điểm của tỉnh như: điện hạt nhân; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng, kinh doanh bất động sản. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh về công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm; đồng thời kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có những chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao khi tỉnh tái khởi động dự án điện hạt nhân thời gian tới. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát khẩn trương, rà soát, bổ sung một số nội dung theo đề nghị, nhất là số liệu phải đồng bộ, thống nhất và các đề xuất, kiến nghị sát với tình hình thực tế địa phương, hoàn thiện, đầy đủ các nội dung theo đề cương yêu cầu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được. Đồng thời, mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ; tiếp tục rà soát những tồn tại, bất cập và có hướng đề xuất kiến nghị phù hợp để Đoàn giám sát tổng hợp gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung phù hợp và kịp thời./.

 

Thanh Bình