Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ 9
Chiều ngày 15/01/2025, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 9 nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Chính phủ và kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự phiên họp tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thành viên Ban Chỉ đạo (theo Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 08/4/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) và công chức làm công tác cải cách hành chính của Sở Nội vụ.
Năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 4 quyết định, 1 công điện để chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng lập đề nghị xây dựng, soạn thảo luật, pháp lệnh và khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; 13 Bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020 - 2025. Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 Sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương…
Đối với tỉnh Ninh Thuận, công tác CCHC luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tỉnh Ninh Thuận hiện đã hoàn thành 52/52 nhiệm vụ của năm 2024 (đạt 100%) theo Kế hoạch CCHC đề ra. Các chỉ số liên quan đến công tác CCHC của tỉnh (Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS) nằm ở nhóm trung bình cao của cả nước. Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1198/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; theo đó, từ ngày 01/11/2024 thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã giảm 03 đơn vị hành chính cấp xã (tương ứng giảm 20 vị trí cán bộ cấp xã, 11 vị trí công chức cấp xã và 12 vị trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã). Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, toàn tỉnh có 26/26 Sở, ban, ngành cấp tỉnh và 7/7 UBND cấp huyện, 62/62 UBND cấp xã đã triển khai Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Cổng dịch vụ công tỉnh có 1.126 dịch vụ công trực tuyến; đã tích hợp và thực hiện đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia 985/1.126 dịch vụ công trực tuyến, đạt 87,48%.
Các đại biểu tại điểm cầu Ninh Thuận
Tại phiên họp, đại diện các Bộ, ngành và địa phương đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả nổi bật, tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đã đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác CCHC thời gian qua; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ; Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; Tập trung triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, đảm bảo tinh thần “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; Tập trung cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, trong đó lưu ý rà soát, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đầy đủ, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC sau sắp xếp; Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị./.
Quỳnh Trang