Ninh Thuận triển khai Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 19/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5601/KH-UBND Triển khai Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, với một số nội dung chính sau:

- Về mục đích: Triển khai Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ chuỗi khối; Ứng dụng công nghệ chuỗi khối để quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và xây dựng một xã hội số, giúp người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách dễ dàng và thuận tiện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các dịch vụ công trực tuyến tiện lợi.

- Yêu cầu: Xây dựng nền tảng công nghệ chuỗi khối gắn với phát triển hạ tầng số có dung lượng và băng thông lớn, phủ sóng rộng khắp, bảo đảm tính bền vững, thân thiện môi trường, thông minh, mở và an toàn; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia, ban hành và hoàn thiện các quy định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai công nghệ chuỗi khối trên địa bàn tỉnh; Tăng cường ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại điện tử, doanh nghiệp và công nghiệp, du lịch đảm bào phù hợp với lộ trình đề ra theo Nghị Quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Về nhiệm vụ, giải pháp: (1) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối: Xem xét, đánh giá ảnh hưởng của các quy định, căn cứ pháp lý đối với các ứng dụng và giải pháp chuỗi khối, bảo đảm môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho việc triển khai cho công nghệ mới này trên địa bàn tỉnh; Ban hành các quy định và triển khai kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ chuỗi khối bảo đảm tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ chuỗi khối; Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật trong quản lý công nghệ chuỗi khối nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, an toàn và tin cậy cho các ứng dụng chuỗi khối. (2) Xây dựng, phát triển nền tảng hạ tầng chuỗi khối Việt Nam phục vụ đa mục tiêu: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh hiện đại, đáp ứng yêu cầu về dung lượng lưu trữ, tốc độ xử lý và bảo mật; Chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cấp mạng lưới viễn thông để đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu lớn của công nghệ chuỗi khối; Đầu tư xây dựng nền tảng chuỗi khối ổn định, bảo mật, có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống hiện có của tỉnh; Đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng công nghệ chuỗi khối phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, bảo đảm tính tương thích và khả năng liên thông giữa các hệ thống; Triển khai các biện pháp bảo mật chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu trên chuỗi khối trước các cuộc tấn công mạng. (3) Ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào các lĩnh vực ưu tiên: Về lĩnh vực Y tế: Ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong hoạt động quản lý và trao đổi dữ liệu về hồ sơ y tế điện tử và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Giáo dục: Ứng dụng nền tảng đào tạo trực tuyến và quản lý văn bằng, chứng chỉ bằng công nghệ chuỗi khối tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời; Tài chính - ngân hàng: Phát triển các dịch vụ tài chính số bằng công nghệ chuỗi khối, như thanh toán, chuyển tiền, cho vay; Nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong hoạt động quản lý vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý chất lượng sản phẩm, kết nối nông dân với thị trường, trước mắt ưu tiên các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng tỉnh Ninh Thuận; Giao thông vận tải: Ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm quản lý vận tải hàng hóa và phương tiện hiệu quả; Thương mại điện tử: Xây dựng nền tảng thương mại điện tử bằng công nghệ chuỗi khối, bảo đảm tính minh bạch và an toàn cho giao dịch; Năng lượng: Quản lý năng lượng tái tạo, giao dịch năng lượng bằng Công nghệ chuỗi khối; Tài nguyên và môi trường: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, theo dõi chất lượng môi trường bằng công nghệ chuỗi khối; Doanh nghiệp và công nghiệp: Ứng dụng công nghệ chuỗi khối để nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất và nâng cao kỹ năng số cho người lao động; Du lịch: Ứng dụng nền tảng quản lý đặt phòng, vé, xây dựng du lịch thông minh bằng công nghệ chuỗi khối. (4) Phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ chuỗi khối cho nhiều đối tượng, từ cán bộ quản lý đến người dân, doanh nghiệp; Thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên gia có năng lực về công nghệ chuỗi khối để tư vấn và hỗ trợ quá trình triển khai. (5) Xây dựng hệ sinh thái chuỗi khối: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ chuỗi khối đối với các lĩnh vực ưu tiên; Tổ chức hội thảo để kết nối các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ chuỗi khối và tiếp cận công nghệ mới.

Nguyễn Văn Sỹ