Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh
Sáng ngày 27/11/2024, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Trần Minh Lực, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các Sở ngành địa phương để giám sát chuyên đề việc đề xuất danh mục dự án thu hồi đất và kết quả thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án phải thu hồi đất, danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Minh Nam, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và các thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ngành, địa phương liên quan.
Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh
Theo báo cáo, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thu hồi đất đạt 50,65% về dự án (nếu không tính các dự án đưa vào Danh mục thu hồi đất để kêu gọi đầu tư thì kết quả thực hiện đạt 57,62% về dự án và 45,72% về diện tích) và đạt 25,47% số dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa so với tổng số dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương quan tâm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai; các khiếu nại của người dân được giải quyết theo đúng quy định pháp luật; công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được quan tâm đẩy mạnh. Các dự án thực hiện xong công tác thu hồi đất đưa vào sử dụng có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cũng nêu ra một số khó khăn, hạn chế trong công tác thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện công trình, dự án: Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm còn hạn hẹp hoặc vốn phân bổ chậm, dẫn đến việc triển khai dự án còn chậm, chưa thực hiện khâu thu hồi đất như kế hoạch đăng ký và đạt kết quả còn thấp. Một số dự án đưa vào danh mục, công trình thu hồi đất để đáp ứng điều kiện kêu gọi đầu tư mà chưa thực hiện ngay dẫn đến tỷ lệ thực hiện còn thấp. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kéo dài do Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng của Trung ương thường xuyên thay đổi, chưa đồng bộ, nhiều quy định mới thay thế chưa kịp thời dẫn đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng chậm…
Đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Trên cơ sở những ý kiến báo cáo, giải trình làm rõ của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự buổi làm việc, đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được của UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các công trình, dự án theo quy định. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các công trình, dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí làm căn cứ pháp lý để đăng ký, thẩm định Danh mục các dự án phải thu hồi đất, Danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất phù hợp với các quy định của Luật Đất đai 2024, sát tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình thẩm định đăng ký các dự án vào danh mục, có tính khả thi khi triển khai thực hiện các dự án; lưu ý các Danh mục thu hồi đất phải đúng mục đích, đối tượng, điều kiện thu hồi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, mạnh hơn. Đối với các dự án chậm tiến độ, quá 03 năm chưa triển khai thực hiện cần nghiên cứu phân kỳ thu hồi đất phù hợp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý Nhà nước việc thực hiện các dự án có thu hồi đất, kể cả việc quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, qua đó kiên quyết đề xuất, tham mưu thu hồi những dự án chậm triển khai kéo dài, chưa triển khai, chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, những dự án vi phạm luật đất đai. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai các cấp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý đất đai hiện nay./.
Quỳnh Trang