Họp đánh giá 2 chương trình mục tiêu quốc gia định kỳ tháng 9/2024

Ngày 17/9/2024, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tháng 9 năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện 2 chương trình được UBND tỉnh giao trên 556 tỷ đồng, trong đó chương trình giảm nghèo bền vững hơn 196 tỷ đồng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 359 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình từ Trung ương đến địa phương được ban hành cơ bản đầy đủ, đặc biệt là khi Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết điều chỉnh kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và năm 2023 chưa giải ngân hết được kéo dài sang năm 2024... bên cạnh đó, các cấp, ngành đã tăng cường kiểm tra, giám sát, lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương đã tích cực, chủ động nghiên cứu, có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình… đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các Chương trình, đến nay đã giải ngân đạt 53,9% (vốn đầu tư phát triển đạt 78,5% và vốn sự nghiệp đạt 29,4%), cao hơn so với bình quân chung của cả nước (Cả nước giải ngân đạt 32%: vốn đầu tư phát triển 51% và vốn sự nghiệp 13%). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Việc huy động nguồn lực để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, chủ yếu là vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; các địa phương gặp nhiều khó khăn trong bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương; tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp; Cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các địa phương còn nhiều khó khăn và chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí công tác, năng lực cán bộ nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nên vấn đề tham mưu thực hiện các Chương trình đôi lúc chưa cao, thiếu chiều sâu.

Toàn cảnh cuộc họp

 

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nổ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tham mưu và triển khai thực hiện 02 Chương trình MTQG trong thời gian qua. Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân 100% những chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ và đủ điều kiện để giải ngân theo quy định, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân đảm bảo theo kế hoạch đề ra; nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp cố gắng quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ để đạt kế hoạch đề ra; các địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện 02 chương trình đảm bảo hiệu quả; bố trí cán bộ có trách nhiệm, chuyên môn cao trong công tác tham mưu, thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc các địa phương thực hiện chương trình. Đồng chí cũng yêu cầu 02 cơ quan thường trực chương trình nghiêm túc bố trí họp giao ban 02 tuần/lần để kịp thời theo dõi kết quả, nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho các đơn vị, địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sớm hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… góp phần, đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn vào cuối năm 2024./.

Văn Tiến