Ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 3.605 tỷ đồng, tăng 4,28% so với cùng kỳ; giá trị gia tăng đạt hơn 1.901 tỷ đồng, tăng 4,28% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 58.097 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ. Hoạt động hiệu quả của ngành thủy sản có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sản lượng khai thác thủy sản những tháng đầu năm tăng là nhờ Chi cục Thủy sản làm tốt công tác dự báo ngư trường giúp các đội tàu đánh bắt hiệu quả. Cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng hải sản tăng, nên giá bán các loại hải sản thời gian qua khá ổn định, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Năng lực tàu cá hiện tại là 2.312 chiếc, trong đó có khoảng 95% tàu cá tham gia hoạt động khai thác, các nghề đạt hiệu quả như: Lưới vây đánh bắt cá nục, cá bánh lái; lưới vây, pha xúc đánh bắt cá cơm.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát khu vực nuôi trồng thủy sản C2,C3 thuộc huyện Ninh Hải. Ảnh: Tiến Mạnh

Công tác triển khai các giải pháp phòng, khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tiếp tục được quan tâm thực hiện. Điểm sáng là ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 309- KH/TU ngày 14/5/2024 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản có hiệu quả. Chi cục Thủy sản phân công trực vận hành hệ thống giám sát tàu cá; quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá từ Tổng cục Thủy sản; thông báo và phối hợp thông tin các trường hợp tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển; rà soát danh sách tàu cá vi phạm IUU, có nguy cơ vi phạm IUU; tổ chức kiểm tra 2.839 lượt tàu cá; trong đó, 1.649 lượt xuất cảng, 1.190 lượt cập cảng.

Những hoạt động của Chi cục Thủy sản như phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các chủ tàu ra khơi đánh bắt. Đến nay, 100% tàu cá đã được cấp mới, cấp lại giấy phép; có 83/86 tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam) nhộn nhịp mua bán hải sản. Ảnh: N.Uyên

Đối với hoạt động nuôi thủy sản, người nuôi đã tận dụng tốt các điều kiện tự nhiên trên địa bàn, chú trọng thực hiện quy trình nuôi đảm bảo kỹ thuật, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Sản lượng nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 5.230 tấn, tăng 4,21% so với cùng kỳ; sản lượng giống thủy sản ước đạt 20.232 triệu con, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đạt được kết quả đó là nhờ ngành chức năng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản. Cụ thể, Chi cục Thủy sản tiến hành giám sát chuyển đổi mục đích sử dụng tôm bố mẹ hết thời gian sử dụng sinh sản theo quy định đối với 76 lô/25.453 con; kiểm tra và cấp 64 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản. Thực hiện 4 đợt quan trắc môi trường/88 mẫu nước tại các vùng sản xuất tập trung, từ đó thông báo kịp thời cho các cơ sở sản xuất biết và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Trong thời gian tới, ngành thủy sản, các địa phương ven biển tiếp tục thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản; tổ chức khai thác hiệu quả vùng lộng, vùng bờ theo hạn ngạch được công bố; phát triển khai thác vùng khơi gắn với chính sách hỗ trợ khai thác “biển xa”. Tập trung triển khai các giải pháp xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai các dự án nuôi biển công nghệ cao.

Theo Baoninhthuan.com.vn