Đình Bình Quý, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh

Ngày 09/7/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 816/QĐ-UBND về việc xếp hạng đình Bình Quý, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh.

Toà Chánh điện của đình Bình Quý, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước

 

Làng Bình Quý hiện nay được biết đến là nơi cư trú của những di dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Theo lời kể của các bậc cao niên và những trang sử làng, vào cuối thế kỷ XVII, những người dân tiên phong đã đến đây khai khẩn đất hoang, lập nên các ấp xóm như: ấp Quý Hòa, ấp Đông Quý, ấp Bình Hòa, ấp Nam Quý. Cùng với đó, họ cũng dựng lên Miếu thờ ngũ hành để cầu mong cuộc sống bình an và mùa màng bội thu. Sau khi công việc lập làng hoàn tất, cuộc sống dần ổn định, dân số ngày càng đông đúc, nông nghiệp phát triển thịnh vượng, đời sống người dân ngày càng sung túc; vào năm 1908, các vị tiền bối đã khởi công xây dựng đình làng để thờ Thần Thành Hoàng Bổn cảnh. Ban đầu, đình được dựng đơn giản với vách bằng vữa vôi, mật mía, đá ong, ghè ống và mái lợp ngói âm dương. Đến năm 1921, dưới thời vua Khải Định thứ 6, đình Bình Quý được di dời về ấp Nam Quý, vị trí hiện nay của làng. Năm 1927, đình được xây dựng lại với quy mô hoành tráng hơn, trở thành ngôi đình mới khang trang, to đẹp (lúc này đình mang tên Bình Quý).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Bình Quý là một trong những nơi đặt cơ sở hành chánh chính quyền cách mạng lâm thời, là nơi để tiếp tế lương thực cho cách mạng và cũng là nơi nuôi dấu nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đình Bình Quý diễn ra các kỳ lễ cúng tế hàng năm như sau: Lễ tế Xuân (còn gọi là lễ hội tế Xuân) là lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm với ý nghĩa tưởng nhớ đến cội nguồn công đức của những người có công quy dân khai khẩn lập ấp. Kính báo “Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh” cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đồng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giữ nước giữ làng. Lễ được tổ chức 2 ngày 1 đêm. Lễ vật chính gồm có: hương hoa trà quả, rượu, trầu cau, xôi, chè. Trong lễ tế Xuân còn có thực hiện nghi thức lễ nhạc và đờn ca tài tử cải lương.

Ngoài ra, ở đình làng Bình Quý hàng năm còn tổ chức các nghi thức cúng tế vào những thời gian như sau:

- Lễ cúng giỗ tưởng niệm ngày mất của cụ Tiền hiền Chánh bát phẩm Phạm Thiện Trai, người có công quy dân khai khẩn lập ấp, lập đình: ngày 20 tháng 7 (âm lịch). Lễ vật gồm: hoa quả, rượu trà, gà vịt.

- Lễ cúng đón rước các vị chư thần về phù trì năm mới, mong muốn dân làng được an khang thịnh vượng: ngày 30 tháng 12 (âm lịch). Lễ vật gồm: hoa quả, rượu trà, nhang đèn.

- Lễ cúng đòn mừng năm mới với ý nghĩa cầu quốc thái dân an, dân giàu nước mạnh, người người nhà nhà được ấm no hạnh phúc: ngày 01 tháng 1 (âm lịch). Lễ vật gồm: rượu trà, nhang đèn, hoa quả.

Đình Bình Quý xây trên một khu đất có diện tích 2.250m2, cửa Đình hướng về phía Bắc tiếp giáp với con mương nội đồng, phía Tây giáp với của nhà dân, phía Nam và phía Đông giáp với đường nội thôn. Phía sau ở xa là ngọn núi xanh, hai bên tả, hữu là đồng ruộng (nay là nhà ở của người dân thuộc khu phố 9, thị trấn Phước Dân). Do tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng nằm gần khu dân cư, nên rất thuận lợi trong việc cúng tế cũng như trong việc bảo vệ, bảo tồn đình. Ngoài ra, trong khuôn viên đình còn trồng nhiều cây dừa, cây cổ thủ tỏa bóng mát quanh năm.

Đình xây dựng thành một khối tổng thể với lối kiến trúc gồm: Nghi môn (Cổng Tam quan), Cột cờ, Án phong (bức Bình phong), sân Đình, Chánh điện, nhà Tiền hiền, nhà Hậu bối, nhà Thanh minh, Miếu thờ Sơn quân, miếu thờ thần Nông, nhà Khách, nhà Kho (nhà Tư thư Tư hóa), nhà Bếp (nhà Trù).

Việc xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật đình Bình Quý nhằm xác lập cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng các dân tộc cũng như các tổ chức, cá nhân khi nghiên cứu, tham gia thực hành di sản tại đình Bình Quý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị của di tích đã được xếp hạng theo quy định; đồng thời, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích vào mục đích khác phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Nhật Đạc