Đình Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh
Ngày 25/4/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 470/QĐ-UBND tỉnh về việc xếp hạng đình Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh.
Toà Chánh điện của đình Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước
Năm 1806, cư dân làng Long Bình ngày nay là các cư dân từ Quảng Ngãi, Bình Định... vào đây để khai khẩn lập làng và xây dựng Miếu ngũ hành. Sau khi công việc lập làng, ấp đã ổn định, dân cư càng ngày càng đông, vào năm 1880, các vị tiền bối đã có chủ trương xây dựng đình làng để thờ Thần Thành Hoàng, ngôi đình ban đầu xây dựng với nguyên vật liệu là vách bằng tre lá, mái tranh đơn giản. Đến năm 1939, đình mới thực sự được xây dựng lại bề thế thành ngôi đình hoàn chỉnh bằng nguyên vật liệu như: đá, gạch ống, vữa vôi trộn mật mía và mái lợp ngói âm dương, lấy tên là đình Long Bình.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, đình Long Bình là mật điểm của cách mạng, nơi thường xuyên hội họp, nuôi giữ cán bộ cách mạng, góp phần trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Hàng năm, đình Long Bình diễn ra Lễ tế Xuân và Lễ tế Thu (hai lễ này còn gọi là Xuân kỳ Thu tế) nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại một Lễ tế Xuân. Lễ tế Xuân được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng 2 (Âm lịch) với ý nghĩa tưởng nhớ và đền đáp công đức của “Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh”. Lễ được tổ chức 2 ngày 1 đêm; có tổ chức các trò chơi dân gian, múa lân, văn nghệ. Lễ vật chính gồm có: heo sống, vịt sống, đậu, miến, xôi, chè và hoa quả rượu.
Đình Long Bình là một công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng có diện tích 1.636m2, cổng đình nằm phía Tây, cửa đình hướng về phía Nam có một hồ sen giờ đây đã bồi cạn, phía Bắc, phía Đông đình giáp với khu dân cư, phía Tây tiếp giáp với đường đi nội thôn. Ngoài ra, trong khuôn viên đình còn trồng nhiều cây ăn trái, cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Đình xây dựng thành một khối tổng thể với lối kiến trúc gồm: Nghi môn (Cổng Tam quan), 2 Cột cờ, 2 Án phong (bức Bình phong), sân đình, Chánh điện, nhà Tiền hiền, Miếu Bà, Miếu thờ Sơn quân, Miếu thờ Ngũ Tiên nương, nhà Khách, nhà Kho (nhà Tư thư Tư hóa) và nhà Bếp (nhà Trù).
Việc xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật đình Long Bình nhằm xác lập cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng các dân tộc cũng như các tổ chức, cá nhân khi nghiên cứu, tham gia thực hành di sản tại đình Long Bình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị của di tích đã được xếp hạng theo quy định; đồng thời, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích vào mục đích khác phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nhật Đạc