Thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Ngày 26/2/2024, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh ký ban hành Thông báo số 05-TB/BCĐCĐS Kết luận của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Thông báo nêu: Ngày 21/02/2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh họp nghe báo cáo về kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh báo cáo và ý kiến tham gia của các đồng chí dự buổi làm việc; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh thống nhất kết luận như sau:
1. Về tình hình, kết quả thực hiện chuyển đổi số năm 2023
Năm 2023 triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dần được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành từng bước được hình thành; việc số hóa hồ sơ, tài liệu, số hóa quy trình được đẩy mạnh triển khai xây dựng; kết nối, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị ngân hàng, tài chính đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số. Công tác truyền thông, tập huấn, hướng dẫn với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả tại các địa phương, cơ quan, đơn vị đã góp phần nâng nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và xã hội về chuyển đổi số.
Tuy nhiên còn có những hạn chế, đó là: Phát triển hạ tầng số còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu chuyên ngành tuy được đẩy mạnh thực hiện nhưng chưa hoàn thiện, còn rời rạc, cát cứ thông tin, thiếu đồng bộ, còn khó khăn trong số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Số lượng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh chưa cao; tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP còn thấp với mục tiêu đề ra. Người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện dịch vụ công toàn trình; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chưa đạt mục tiêu.
Nguyên nhân của các hạn chế: Công tác kiểm tra, phân công trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên; nhận
thức về dữ liệu số, nền tảng số và năng lực tổ chức triển khai thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ, còn lung túng trong việc xác định, xây dựng mô hình, sản phẩm chuyển đổi số; công tác phối hợp, hướng dẫn có việc chưa chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, địa phương, đơn vị.
2. Về Kế hoạch Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2024
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cơ bản nhất trí dự thảo; tuy nhiên cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2024 đảm bảo khả thi, phù hợp hướng tới thực hiện thắng mợi các mục tiêu đề ra trong Nghị Quyết số 09- NQ/TU, ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chuyển đối số tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 04/VPCP, ngày 08/01/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Viên chức Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và Điều hành đô thị thông minh tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Ảnh: Văn Nỷ
Về chủ đề hành động của tỉnh, bám sát chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững” để cụ thể phù hợp với thực tiễn tình hình của tỉnh.
Về mục tiêu chung: Cơ bản nhất trí, nhấn mạnh mục tiêu “tập trung hoàn thiện hạ tầng số; khai thác, chia sẻ, kết nối sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu; ưu tiên thúc đẩy thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, nhất là các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm; phục vụ hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu dịch vụ; nâng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh (DTI) năm 2024 thuộc nhóm khá của cả nước”.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, cơ bản nhất trí; trong đó cần lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
2.1. Quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Thông báo số 04/VPCP, ngày 08/01/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Thông báo số 658-TB/TU, ngày 26/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2021.
Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lộ trình gắn với bố trí nguồn lực thực hiện; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phải đánh giá, giám sát, kiểm tra; hoàn thành trong quý I/2024. Lưu ý, tiếp tục triển khai thực hiện mỗi cơ quan, đơn vị có một sản phẩm cụ thể hoặc quy trình cụ thể chuyển đổi số theo hướng số hóa.
2.2. Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, xóa vùng lõm sóng, phủ sóng 05G. Tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu hoàn thiện, có độ kết nối cao với hệ thống quốc gia, tăng cường kết nối đồng bộ của tỉnh; nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện, ứng dụng công nghệ khai thác thuận tiện, hiệu quả dữ liệu dùng chung phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành và hoạt động của người dân, doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; triển khai các giải pháp nâng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh.
2.3. Đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, nhất là trong các ngành kinh tế trọng điểm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, điều tiết nước các hồ và công trình thủy lợi; tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải, hình thành khu công nghiệp xanh; số hóa quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp cả trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng …Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, du lịch thông minh, thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số; thúc đẩy tương tác của nhân dân trong phản ánh, kiến nghị, xử lý các vấn đề bất cập của đô thị, nâng hiệu quả hoạt động của hệ thống IOT.
2.4. Tập trung triển khai thực hiện Đề án 06, kết nối sử dụng hiệu quả cơ sở dự liệu về dân cư; đẩy mạnh triển khai thực hiện việc cấp danh tính số/tài khoản định danh điện tử cho người dân; khuyến khích việc thực hiện các giao dịch điện tử. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
2.5. Tiếp tục rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách tạo điều kiện để thu hút, phát triển nguồn nhân lực; huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm; phát huy năng lực, thế mạnh của các đối tác chiến lược đã ký kết trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
2.6. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số theo đúng định hướng; trong đó chú trọng cập nhật chuyển đổi nhận thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, quản trị về chuyển đổi số; nhân lực thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, và hệ thống chính trị phải được tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng số; đào tạo kỹ năng số gắn với phát triển dịch vụ, thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
3. Về tổ chức thực hiện
3.1. Giao Ban Điều hành chuyển đổi số nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và kết luận tại Thông báo này để hoàn chỉnh Báo cáo và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Hoàn thành chậm nhất ngày 02/3/2023. Lưu ý: Báo cáo cần được đánh giá sát hơn, toàn diện hơn và cập nhật kết quả, chỉ tiêu thực hiện mới nhất, có so sánh với bình quân toàn quốc; Kế hoạch có phân công nhiệm vụ và thời gian cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, để có cơ sở giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.
- Căn cứ Kế hoạch của Ban chỉ đạo, Ban Điều hành xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo yêu cầu rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lộ trình gắn với bố trí nguồn lực thực hiện; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, để triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát; phân công theo dõi, đôn đốc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
- Trên cơ sở Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, giao Ban Điều hành nghiên cứu tham mưu Thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; hoàn thành trước ngày 15/03/2024.
- Chỉ đạo rà soát việc đăng ký và triển khai xây dựng sản phẩm chuyển đối số của các cơ quan, đơn vị trong năm 2023; có đánh giá và biểu dương, khen thưởng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt; đồng thời phê bình, kiểm điểm cơ quan, đơn vị chưa thực hiện. Hoàn thành trong tháng 4/2024.
3.2. Giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo-Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng các sản phẩm cụ thể hoặc mô hình, quy trình cụ thể chuyển đổi số theo hướng số hóa; hoàn thành trước ngày 15/03/2024.
3.3. Ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thành ủy và đảng ủy chỉ đạo rà soát, củng cố, phát huy hiệu hoạt động Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc lãnh đạo; đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024; hoàn thành trong quý I năm 2024
Theo Baoninhthuan.com.vn