Ninh Thuận nằm trong top 10 của cả nước về tăng trưởng GRDP và đứng thứ 2 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

Ngày 27/11, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp trực tuyến kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu tỉnh tham dự họp có: các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Phan Tấn Cảnh, Lê Huyền; đồng chí Đổng Hoàn, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh: Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa- xã hội; các thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo các ngành liên quan. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có: Thường trực HĐND, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã phường, thị trấn và các phòng, ban, đơn vị liên quan thuộc cấp huyện.

Thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023 trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn như dự báo nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, UBND tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, với quyết tâm chính trị cao, tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm 05 khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng; cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực và tăng khá trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GRDP tăng 9,40%, xếp thứ 09/63 tỉnh thành cả nước và thứ 02/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng lượng, công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá; kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì ổn định, tăng trưởng khá, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất tiếp tục phát huy lợi thế; một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường; giá đất, điều chỉnh giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất ở một số dự án được tập trung tháo gỡ; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; cải cách hành chính hiệu quả hơn; chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Tổ chức thành công Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023. Công tác quân sự, quốc phòng được bảo đảm, giao quân an toàn, đạt chỉ tiêu; công tác diễn tập KVPT cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã năm 2023 được tổ chức an toàn, đạt kết quả tốt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu: Trong tổng số 18 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, dự kiến đến cuối năm 2023 có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 04 chỉ tiêu còn khó khăn ((1) Tốc độ tăng trưởng GRDP 9,40% (KH tăng 10-11%); (2) Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 9,56% (KH 12%); (3) Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 28,5% (KH 28-29%), công nghiệp-xây dựng 39,8% (KH 39-40%), dịch vụ 31,7% (KH 32-33%); (4) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 68,1% (KH 70-71%).

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chủ trì phiên họp


 

Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam nhấn mạnh: triển khai thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 có nhiều khó khăn và thách thức hơn dự báo. Song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, vượt khó, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là các các sở, ngành, các địa phương, các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đoàn kết phấn đấu đã vượt qua những khó khăn; bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 chuyển biến tích cực và có bước tăng trưởng khá trên một số lĩnh vực, cụ thể là tỉnh Ninh Thuận nằm trong top 10 của cả nước về tăng trưởng GRDP và đứng thứ 2 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Đặc biệt lưu ý, thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương tập trung tổng rà soát trên tất cả các lĩnh vực, đối với các nhiệm vụ đang triển khai, chưa hoàn thành quyết liệt triển khai thực hiện hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao trong năm 2023. Đồng thời, tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp tăng thu ngân sách; đẩy mạnh triển khai tiến độ thực hiện các dự án phấn đấu, quyết tâm giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đạt 95%; đối với nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 phải giải ngân hoàn thành 100% trong năm 2023. Chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện cho công tác triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột phá của năm 2024; tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tháng 3/2024. Bên cạnh đó, căn cứ Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các sở, ngành, địa phương chủ động chọn lọc thông tin phù hợp với chuyên ngành, địa phương để thông tin đăng tải, giới thiệu trong quá trình thu hút đầu tư của ngành, địa phương mình.

Theo dự báo năm tới, mặc dù có những cơ hội thuận lợi mới, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và  Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đề ra, nhất là phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt là 11-12%; ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản phấn đấu giá trị gia tăng đạt 4-5%; mgành Công nghiệp-Xây dựng phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành đạt 19-20%, trong đó công nghiệp 17-18%; xây dựng 23-24%; dịch vụ phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành đạt 9-10%. Triển khai hiệu quả chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu thu hút trên 3,2 triệu lượt khách du lịch; các chỉ tiêu kinh tế-xã hội phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra./.

Thanh Bình