Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với tỉnh Ninh Thuận

Chiều ngày 24/11/2023, Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận; Ban Đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tình hình thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030; tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Nguyễn Long Biên – UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; đồng chí Lê Minh Lộc – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; các đồng chí thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Theo báo cáo của Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 86,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị; tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 106,7 tỷ đồng; đối với Nghị quyết số 11/NQ-CP, đến nay doanh số cho vay đạt 389 tỷ đồng, cho hơn 7.890 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 295,1 tỷ đồng/5.568 hộ. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 510.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay hơn 9.100 tỷ đồng. Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nguồn vốn dự kiến tăng 960 tỷ đồng, tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhờ vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân thuộc đối tượng vay được tiếp cận vốn nhiều hơn để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 11.015 hộ, giảm 3.196 hộ, giảm 1,86%; hộ cận nghèo còn 10.087 hộ, giảm 2.800, giảm 1,7% so với năm 2021.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Long Biên cho biết, qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; chỉ thị và kế hoạch của Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện được mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách địa phương còn thấp, trong khi nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm lại rất lớn, vì vậy đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục dành sự quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho tỉnh các năm tiếp theo tăng gấp 2 lần nguồn ủy thác địa phương, để đáp ứng nhu cầu về vốn vay chương trình tại tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự nỗ lực cũng như kết quả mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong những năm qua, góp phần giúp cho người vay thay đổi nhận thức vay vốn và làm ăn có hiệu quả, từng bước vươn lên làm giàu, tạo lòng tin sâu sắc giữa người dân với Đảng, giữa Đảng với dân. Đồng chí Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đồng ý bổ sung cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 40 tỷ đồng trong năm 2023 để cho vay giải quyết việc làm. Thời gian đến, đồng chí Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tiết kiệm-vay vốn tại các địa phương, tại các phòng giao dịch ở xã, giải quyết nhanh, gọn, tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ tổ vay vốn với người dân khi đến làm hồ sơ vay. Tiếp tục triển khai tốt hơn nữa Nghị quyết 11 của Chính phủ theo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, để mỗi đối tượng được thụ hưởng theo nhu cầu, giải quyết tốt các vấn đề khó khăn về vốn vay cho người dân./.

Văn Tiến