Phát triển đồng bộ ngành Thủy sản
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, lĩnh vực kinh tế biển, trong đó ngành Thủy sản (TS) đã có bước phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành TS đạt 5,13%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra 1,13%; kinh tế TS giữ vai trò nòng cốt với cơ cấu chiếm 57% toàn ngành Nông nghiệp.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm, kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phát triển đồng bộ khai thác, nuôi trồng TS hướng mạnh ra biển, phát triên nuôi biển gắn với chế biến hải sản; cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ, hiệu quả, bền vững, góp phần tham gia bảo vệ quốc phòng an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước; đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu sản xuất giống tập trung theo quy định. Tổ chức nạo vét các luồng lạch, khu neo đầu tại các cảng cá, bảo đảm an toàn; thực hiện tốt dịch vụ hầu cần nghề cá.
Hoạt động thu mua hải sản tại Cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Thông qua Chương trình phát triển TS bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng, giai đoạn 2021 - 2023 đã đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái (Đông Hải, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam), nâng cấp Cảng cá Mỹ Tân (Ninh Hải), Trại thực nghiệm giống TS, dự án đóng tàu kiểm ngư với tổng kinh phí hơn 60,2 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu sản xuất giống TS An Hải, Nhơn Hải, Sơn Hải; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền chọn giống, công nghệ xử lý nước để nâng cao chất lượng tôm giống. Xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sản xuất, tiêu thụ con giống, đảm bảo giữ vững uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận”.
Hiện toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao; 100% cơ sở sản xuất tôm giống được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống TS; 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, trong đó có 12 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Hầu hết các thành viên của Hiệp hội Giống TS Ninh Thuận đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” trên nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường. Ước sản lượng tôm giống năm 2023 đạt 40,838 tỷ con post, chủ động một phần nguồn tôm bố mẹ trong sản xuất giống theo yêu cầu của thị trường.
Đối với nhiêm vụ cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ cũng đạt được những kết quả đáng kể. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã tập trung điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác TS vùng khơi phù hợp với hạn ngạch tại Quyết định số 1223/QĐ-BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vùng lộng và vùng bờ theo hạn ngạch tại Quyết định số 2376/QĐ-UBND của UBND tỉnh gắn với triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp. Tập trung triển khai “Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ kết hợp kinh tế với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa theo mô hình Tổ đoàn kết trên biển với 170 tổ/810 tàu để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế rủi ro khi hoạt động trên các vùng biển xa; kết nối bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản đến các Tổ đoàn kết trong quá trình khai thác. Ước sản lượng khai thác năm 2023 đạt gần 130.300 tấn, vượt mục tiêu đề ra hơn 20.000 tấn, giá trị sản xuất giai đọan 2021-2023 tăng bình quân 4,33%/năm.
Lĩnh vực nuôi, trồng TS, kết quả đáng kể là đã tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển nuôi biển, ưu tiên vùng nước sâu, ứng dụng công nghệ cao trang bị cảm biến nhiệt, độ mặn và máy cho ăn tự động. Đồng thời, giảm dần đối tượng nuôi truyền thống là con tôm để chuyển sang các đối tượng hải đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như: Ốc hương, cá biển, tôm hùm,... Tổ chức lại nuôi, trồng TS vùng Đầm Nại theo hướng giảm dần mật độ và quy mô để cấu trúc thành khu nuôi sinh thái bền vững, phổ biến là mô hình nuôi hải đặc sản sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn ven đê bao Đầm Nại. Đến nay, có 17 cơ sở nuôi ốc hương trong bể đặt trong nhà với quy mô 92,6 ha; 5 cơ sở nuôi tôm thẻ công nghiệp 2 giai đoạn trong bể tròn HDPE có mái che với quy mô 8 ha và 4 lồng tròn HDPE nuôi cá biển, quy mô 0,2 ha. Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ cao nâng giá trị sản xuất, nuôi TS giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 2,38%/năm.
Nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Rạng Đông ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra
chất lượng con giống tại bể nuôi. Ảnh: V.Nỷ
Hiện nay toàn tỉnh có 212 cơ sở chế biến TS được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Công TNHH Thủy sản Thông Thuận đã đầu tư Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại Khu công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang Tháp Chàm). Công ty tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA để xuất khẩu mạnh mẽ mặt hàng tôm đông lạnh sang thị trường EU và Mỹ, qua đó phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2023 vượt con số 120 triệu USD.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước; ưu tiên phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các đối tượng có lợi thế. Cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với phát triển mô hình dịch vụ trên biển, mở rộng ngư trường; tổ chức lại theo hướng từng bước giảm dần cường lực khai thác vùng bờ và vùng lộng. Phấn đấu đến năm 2025 sản lượng khai thác đạt hơn 134 nghìn tấn, sản xuất tôm giống đạt hơn 44 tỷ con.
Theo Baoninhthuan.com.vn