Kết quả thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận

Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự hỗ trợ của Trung ương và với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nên đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng và một số mặt có sự tiến bộ rõ rệt.

Công tác truyền thông về chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên với hình thức tuyên truyền đa dạng, nhiều kênh, qua đó nâng nhận thức số trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội; đến nay đã có 09/19 chỉ tiêu chuyển đổi số hoàn thành và vượt kế hoạch năm; hệ thống thực hiện chuyển đổi số được Nhân dân đánh giá và đồng thuận cao với định hướng và phương thức thực hiện. Công tác số hóa được đẩy mạnh thực hiện trên một số ngành, lĩnh vực; tổ chức khai thác hiệu quả cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động quản lý, điều hành; dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến tích cực, tỷ lệ  hồ sơ được xử lý trực tuyến trên 81%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra góp phần thực hiện hiệu quả cải cách hành chính; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cơ bản được đảm bảo. Nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số tuy còn khó khăn ở một số cơ quan, đơn vị nhưng cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; cơ chế chính sách về nguồn lực thực hiện chuyển đổi số tuy còn hạn hẹp nhưng đã đáp ứng được bước đầu nhu cầu trên một số lĩnh vực quan trọng. Chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022 xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc so với năm 2021, trong đó chỉ số về nhận thức số nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ về kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023
của Ủy ban quốc gia chuyển đổi số

 

Bên cạnh kết quả đạt được còn có những hạn chế, đó là: Một số mục tiêu cụ thể khó thực hiện đạt kế hoạch năm 2023 đề ra về tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh mới còn rất thấp so với kế hoạch, thấp hơn bình quân toàn quốc, trong đó tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực đất đai đạt rất thấp (2,06%); phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị có ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số, đến nay mới chỉ 01 sản phẩm đã hoàn thành. Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số còn nhiều hạn chế, Trung tâm tích hợp dữ liệu chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc, thiếu đồng bộ, chậm triển khai; việc số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh tế số, xã hội số chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trong phục vụ hoạt động đời sống của người dân.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng còn lại trong năm 2023 như sau: (1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa, tuyên truyền nâng nhận thức sâu rộng hơn trong hệ thống chính trị, trong xã hội và doanh nghiệp về vị trí, vai trò, mục tiêu thực hiện chuyển đổi số; tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ thông tin và Truyền thông và thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông như FPT, VNPT, Viettel tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng số cho cán bộ, lãnh đạo các sở, ban ngành và đội ngũ làm công tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh. (2) Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức truyền thông về chuyển đổi số, với nội dung tuyên truyền đảm bảo các yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, có chủ đề, chủ điểm, hình thức truyền thông đa dạng, đa kênh, chú trọng các kênh truyền thông số, các mô hình tuyên truyền trực quan sinh động. (3) Phát triển hạ tầng số, tập trung phát triển hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tâng viễn thông, phát triển mạng 5G tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan nhà nước; ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng số tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, đảm bảo cho việc kết nối, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định. (4) Đẩy mạnh triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về đất đai, giao thông, giáo dục, y tế, du lịch, đô thị thông minh; tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin. (5) Về chính quyền số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện ký số, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến; đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân truy cập Cổng thông tin điện tử tỉnh và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. (6) Về kinh tế số, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hiện có, đồng thời rà soát, xây dựng và ban hành chính sách mới để đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là chính sách thu hút, tạo điều kiện doanh nghiệp chuyển đổi phát triển trên một số ngành, lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số, sử dụng các nền tảng số. (7) Về xã hội số, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06, hoàn thành cấp danh tính số/tài khoản định danh điện tử cho người dân; có kế hoạch cụ thể để tích hợp, khai thác sử dụng dịch vụ liên quan đến y tế, giao thông, du lịch, đất đai, xây dựng… tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch./.

NV