Tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng
Thời gian qua, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên Phần mềm Quản lý văn bản hồ sơ công việc của tỉnh...
Thời gian qua, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên Phần mềm Quản lý văn bản hồ sơ công việc của tỉnh, tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng ngày càng tăng, đạt 98,29% đối với cấp tỉnh, 96,91% đối với cấp huyện và 89,72% đối với cấp xã. Trong quý I/2023, tổng số văn bản đi/đến toàn tỉnh là 232.046 văn bản trên hệ thống Phần mềm Quản lý văn bản hồ sơ công việc TD.Office, trong đó có 52.196 văn bản đi (giảm 0,39% so với cùng kỳ) và 179.850 văn bản đến (tăng 4,63% so với cùng kỳ); qua đó giúp tiết kiệm thời gian, giấy mực, chi phí gửi nhận văn bản, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, phục vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạch đó vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng văn bản điện tử trên hệ thống, nhất là việc tiếp nhận, phân công và xử lý văn bản điện tử UBND các xã, phường, thị trấn còn hạn chế; một số đơn vị chưa thực hiện ký số cá nhân và cơ quan đúng quy định, tỷ lệ ký số văn bản chưa cao, chưa đạt mục tiêu được giao, trong đó có một số xã đạt thấp.
Để tăng cường hơn nữa việc quản lý, sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và Công văn số 86/BCY-CTSBMTT ngày 01/4/2021 của Ban Cơ yếu Chính phủ về đẩy mạnh quản lý, triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và đề xuất nhu cầu giai đoạn 2021-2025; để đảm bảo hoàn thành mục tiêu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) theo Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận năm 2023, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1- Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kịp thời việc tham gia thực hiện ký số trực tiếp vào văn bản điện tử theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư; đảm bảo hoàn thành mục tiêu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng theo Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận năm 2023.
2- Bố trí cán bộ quản lý chữ ký số của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý chữ ký số của cơ quan mình và các đơn vị trực thuộc theo quy định.
3- Tăng cường quản lý, tiếp nhận văn bản, phân công xử lý văn bản, ký số văn bản và phát hành văn bản điện tử trên Phần mềm Quản lý văn bản hồ sơ công việc, nhất là đối với UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn.
4- Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục cử cán bộ để hỗ trợ, hướng dẫn các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, tiếp nhận văn bản, phân công xử lý văn bản, ký số văn bản và phát hành văn bản điện tử; tăng cường công tác bảo đảm ATTT, bảo mật dữ liệu cho Phần mềm quản lý hồ sơ công việc; kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng./.
N.V. Sỹ