Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự Hội nghị kết nối giao thương trong khuôn khổ Chương trình Tổng kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Ngày 14/4/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Tấn Cảnh tham dự Hội nghị kết nối giao thương trong khuôn khổ Chương trình Tổng kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên, cách sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, có điều kiện giao thông thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hoá với các tỉnh trong khu vực và mở rộng quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn đang triển khai thi công Cảng biển tổng hợp Cà Ná có thể tiếp nhận tàu trên 300.000 DTW, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận, có đường nối từ cao tốc Bắc Nam đến Cảng tổng hợp Cà Ná với chiều dài 15 kmNinh Thuận cũng đã được chấp thuận chủ trương nghiên cứu xây dựng sân bay lưỡng dụng Thành Sơn, tái khởi động đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt sẽ là điều kiện để Ninh thuận khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương.

Đặc biệt, được mệnh danh là vùng đất của “Nắng và gió”, với những điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng khá riêng biệt, đã tạo cho Ninh Thuận những thế mạnh, đặc thù trong phát triển năng lượng, kinh tế biển; phù hợp cho sinh trưởng và phát triển các loại cây và con có tính đặc thù cao. Đến nay, Ninh Thuận đã công bố quyết định công nhận 12 sản phẩm đặc thù của địa phương[1] và công nhận kết quả đánh giá, phân hạng 134 sản phẩm OCOP của 50 chủ thể từ 03 sao trở lên (trong đó có 08 sản phẩm tiềm năng xếp hạng 5 sao; 19 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 107 sản phẩm xếp hạng 3 sao). Sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh Ninh Thuận gồm các sản phẩm cây trồng là nho, táo, măng tây, tỏi, hành tím, nha đam, rong sụn, mũ trôm, hạt điều, bưởi da xanh; sản phầm vật nuôi đặc thù là tôm giống, cừu, dê, yến, heo đen, bò vàng; sản phẩm làng nghề đặc thù là gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, nước mắm Cà Ná và các sản phẩm đặc thù, tiềm năng đặc thù khác khác như muối, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, rong nho…

Thời gian qua, sản phẩm của Ninh Thuận đã tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ tại hầu hết thị trường trong nước, nhất là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói thị trường Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường lớn, hàng đầu, đặc biệt quan trọng tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, nhiều sản phẩm của Ninh Thuận đã có mặt tại các hệ thống phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ đầu mối, chợ truyền thống…

Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình Tổng kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vào ngày 28/02/2023, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận đã cùng phối hợp tổ chức hoạt động giao thương tại tỉnh Ninh Thuận, kết nối hệ thống phân phối lớn của Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận. Kết quả sơ bộ bước đầu đã thống nhất được 05 đơn vị của Ninh Thuận (khoảng trên 10 sản phẩm) sẽ ký hợp đồng giao dịch với hệ thống phân phối của TP.HCM và các đơn vị khác đang tiếp tục tiếp xúc, thương thảo hợp tác. Tiếp tục hoạt động kết nối, tại Hội nghị giao thương, tỉnh Ninh Thuận có 17 doanh nghiệp, đơn vị tham gia (đều là các chủ thể OCOP, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận).

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đồng chủ trì Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan, chức năng tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng đầu tư sản xuất, mạng lưới phân phối, hệ thống logistics, kho bãi tập kết hàng hóa; các doanh nghiệp phân phối tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nhỏ từng bước phát triển và vững mạnh./.

 


[1] gồm 6 sản phẩm cây trồng (là nho, táo, măng tây, tỏi, nha đam, rong sụn); 3 sản phầm vật nuôi (là tôm giống, cừu, dê); 3 sản phẩm làng nghề (là nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc)

Đức Nam