Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên nghe báo cáo Kế hoạch tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023

Ngày 02/3/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Kế hoạch tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 gắn với đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo Hiệp hội Nho và Táo, Hiệp hội Du lịch; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 gắn với đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có các hoạt động tiêu biểu như: Hội chợ Công Thương Khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; Lễ hội Ẩm thực; Chương trình khai mạc và bế mạc Lễ hội; Hội thảo phát triển giá trị cây Nho và sản phẩm từ Nho; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc; Tổ chức thi giàn nho đẹp; Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận; Giải đua xe ôtô - môtô địa hình trên cát; Hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc Ninh Thuận lần thứ II-2023. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp để hưởng ứng sự kiện nêu trên.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia nhiều ý kiến, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện Kế hoạch đảm bảo sự kiện diễn ra thành công, tốt đẹp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên phát biểu tại cuộc họp

 

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành, địa phương liên quan trong việc xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 gắn với đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với quyết tâm tổ chức sự kiện nêu trên diễn ra chuyên nghiệp, phong phú, hấp dẫn, độc đáo và thành công, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc họp, khẩn trương hoàn thiện ngay Kế hoạch tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 gắn với đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, trong có lưu ý một số nội dung sau: Nghiên cứu, bổ sung thêm các hoạt động vào sự kiện: Lễ hội đường phố, tổ chức các đoàn Caravan, hành trình khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, chương trình biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm… Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho sự kiện, nhất là việc tổ chức họp báo về sự kiện tại Tỉnh và các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh đảm bảo thông tin về sự kiện được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế để nhận được sự hưởng ứng, quan tâm cũng như việc thu hút các du khách, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến Tỉnh; Phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh có kế hoạch tổ chức Lễ hội Ẩm thực phong phú, đặc sắc, hiệu quả và thành công, lưu ý mời một số đầu bếp quốc tế và trong nước tham gia, đặc biệt tôn vinh tinh hoa ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của Ninh Thuận; Xây dựng dự toán cụ thể, chi tiết, rõ ràng, xác lập rõ nguồn kinh phí thực hiện trong từng hoạt động (nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác) trên tinh thần tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định… Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ và triển khai thực hiện sự kiện nêu trên đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; Xây dựng kịch bản Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc sự kiện phải đảm bảo độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, cuốn hút, phù hợp, thể hiện đậm nét, tiềm năng, thế mạnh, giá trị khác biệt của tỉnh; Rà soát, làm việc các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm… trên địa bàn tỉnh đảm bảo có kế hoạch cụ thể phục vụ chu đáo cho khách du lịch đến Tỉnh trong thời gian tổ chức các sự kiện theo Kế hoạch; nghiên cứu, có phương án cụ thể làm việc với các cơ sở có điểm tham quan, cơ sở lưu trú, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực phục vụ, ăn uống… triển khai thực hiện đồng loạt các chương trình hỗ trợ, ưu đãi giá cả dịch vụ vào thời điểm diễn ra các sự kiện; Tiếp tục phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận trong việc tổ chức Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận và Giải đua xe ôtô - môtô địa hình trên cát với quy mô phù hợp, hiệu quả; Tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” để giới thiệu và khẳng định giá trị khác biệt, đặc sắc về Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, lưu ý nghiên cứu chương trình tổ chức Hội thảo đảm bảo có chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo phát triển giá trị cây Nho và các sản phẩm từ Nho phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nâng tầm giá trị của Nho Ninh Thuậncác sản phẩm từ Nho; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh khẩn trương thực hiện xây dựng Video clip giới thiệu về Tỉnh để trình chiếu tại sự kiện, trong đó làm nổi bật Nho, cá sản phẩm từ Nho Ninh Thuận, cũng như nghệ thuật làm gốm của người Chăm; Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 gắn với đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cũng như các sự kiện khác tại Kế hoạch đảm bảo thành công, hiệu quả, đúng quy định và thật sự tạo được ấn tượng tốt, hình ảnh đẹp của tỉnh Ninh Thuận trong lòng du khách./.

Nhật Đạc