Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Ninh Thuận

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp để tăng cường, thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.127 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 425 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 702 dịch vụ công trực tuyến một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; kết nối liên thông thủ tục hành chính với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành việc kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận và cập nhật 199.366 hồ sơ trên Cổng dịch vụ công tỉnh, trong đó có 61.058 hồ sơ trực tuyến, đạt 30,63% (cấp tỉnh 53.993/100.139 hồ sơ, đạt 53,92%, cấp huyện 2.671/12.194 hồ sơ, đạt 21,9%; cấp xã 4.394/38.594 hồ sơ, đạt 11,39%); đã xử lý và trả kết quả 197.780 hồ sơ, đúng và trước hạn đạt 99,37%; đồng bộ trạng thái 181.237/199.366 hồ sơ, đạt 90,91%;

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn một số hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng của tỉnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa cao, người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện dịch vụ công toàn trình. Nguyên nhân chủ yếu là do một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến; một bộ phận cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến; việc số hóa hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện,…

Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 75% và tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 70% theo kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường giám sát chất lượng, thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký qua mạng trên hệ thống; lấy kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến làm một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị.

2- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác sử dịch vụ công của tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành để cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

3- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân và trọng tâm là hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công của tỉnh.

4- Tiếp tục rà soát hoàn thiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 29/12/2022, bảo đảm theo nguyên tắc tạo thuận lợi và lấy người dùng làm trung tâm.

5- Tiếp tục rà soát, cắt giảm dịch vụ công trực tuyến trong nhiều năm liên tục không phát sinh hồ sơ, chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến; cac mở rộng cung cấp cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên các kênh số khác ngoài Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công; nghiên cứu triển khai Trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

6- Giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

7- Kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với Cổng dịch vụ công của tỉnh để giảm giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

8- Các sở, ban, ngành, địa phương duy trì thường xuyên theo dõi, cập nhật dữ liệu, khai thác sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, nhất là đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; tập trung đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu theo nguyên tắc lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, tần suất khai thác sử dụng nhiều, bảo đảm tính an toàn, liên thông, kết nối và chia sẽ dữ liệu dùng chung; mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và công dân khai thác sử dụng theo quy định.

9- Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để duy trì, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cũng như công tác chuyển đổi số của tỉnh nói chung./.

N.V. Sỹ