Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường THPT

Ngày 11/8/2022, đồng chí Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - chủ trì Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường THPT. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng và các chuyên viên có liên quan; lãnh đạo và giáo viên dạy môn Lịch sử lớp 12 các trường THPT, trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường THPT

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương, khen ngợi tinh thần tham dự Hội nghị rất nghiêm túc và đóng góp những ý kiến tâm huyết của đại biểu tham dự Hội nghị nhằm làm rõ thêm thực trạng dạy và học môn Lịch sử, đồng thời, đề xuất những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trong trường THPT và nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022-2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Long Biên đã nhấn mạnh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, môn Lịch sử là 01 trong 06 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng và an ninh). Qua đó, cho chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng môn học Lịch sử có vị trí, tầm quan trọng, giúp hình thành phẩm chất, năng lực, thái độ, nhân cách trong giáo dục toàn diện học sinh. Đây cũng là môn học góp phần giáo dục tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại hình thành nên những phẩm chất, năng lực của người công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Môn học Lịch sử giúp học sinh tiếp cận và nhận thức rõ vai trò, đặc điểm của khoa học lịch sử cũng như sự kết nối giữa sử học với các lĩnh vực khoa học và ngành nghề khác, tạo cơ sở cho học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Trong thời gian vừa qua, ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các  trường THPT và giáo viên đã nỗ lực triển khai giảng dạy theo chuẩn kiến thức và kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng môn Lịch sử. Theo kết quả thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, mặc dù điểm từ trung bình trở lên của môn Lịch sử toàn tỉnh là 69,24% cao hơn rất nhiều so với các năm trước đây, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với toàn toàn quốc 80,66%, đứng vị thứ 59/63 tỉnh thành phố; và là một trong 05 tỉnh có điểm trung bình thấp nhất toàn quốc.

Để rút kinh nghiệm từ kết quả thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 đối với môn Lịch sử, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về tổ chức dạy học môn Lịch sử ở trường trung học phổ thông, đồng thời, thực hiện nghiêm túc, yêu cầu ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới căn bản công tác quản lý dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường; tiếp tục đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp cho học sinh yêu thích, hứng thú trong học môn Lịch sử. Xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động dạy học gắn liền với thực tiễn: Kế hoạch thăm quan bảo tàng; Kế hoạch dạy học tại nơi có di tích lịch sử; Kế hoạch thăm quan các di tích lịch sử ở địa phương. Triển khai tốt các nội dung về lịch sử địa phương trong tài liệu địa phương từ lớp 1 đến lớp 12. Tổ chức cho giáo viên dạy Lịch sử tham quan di tích lịch sử trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất để tổ chức ở cấp tỉnh các cuộc thi, hội thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới công tác quản lý từ Sở Giáo dục và Đào tạo theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị trong việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục nhà trường cũng như củng cố kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình của giáo viên, tổ trưởng và thủ trưởng đơn vị; thực hiện cam kết chất lượng dạy học giữa giáo viên và nhà trường, nhà trường với Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử thực sự ổn định, bền vững; nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, quản lý và kiểm tra ở các trường phổ thông; thủ trưởng đơn vị phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng giáo dục của đơn vị mình.

Để hỗ trợ cho ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, đồng chí Nguyễn Long Biên đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông - theo chức năng và nhiệm vụ của mình - quan tâm hỗ trợ thông tin, tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc qua các kênh thông tin đại chúng cho Nhân dân và cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh; phối hợp, hỗ trợ các trường học trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các di tích, bảo tàng,... trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thị, cuộc thi giúp học sinh tìm hiểu Lịch sử địa phương với những hình thức phù hợp./.

Nguyễn Anh Minh