Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
Ngày 10/8/2022, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 33 điểm cầu có dự án đi qua. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Phan Tấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương có liên quan của tỉnh.
Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 884/QÐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia sau đây: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.
Về tình hình triển khai dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện đã đưa vào khai thác 544 km; đang thi công 763 Km; đang thực hiện lập thiết kế kỹ thuật để cuối năm 2022 khởi công 729 km, bao gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654 Km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch 6 làn xe ô tô cao tốc, sơ bộ tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng được chia thành 11 dự án thành phần (08 dự án đầu tư công, 03 dự án PPP) đi qua 13 tỉnh, thành phố. Đã đưa vào khai thác đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15 Km) đầu năm 2022. Đang triển khai thi công 10 dự án thành phần, trong đó: 04 dự án thành phần với chiều dài 361 Km cơ bản hoàn thành năm 2022; 04 dự án thành phần10 với chiều dài 148 Km dự kiến hoàn thành năm 2023; 02 dự án thành phần với chiều dài 128 Km dự kiến hoàn thành năm 2024. Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết ngày 05/8/2022 đạt khoảng 26.908/57.075 tỷ đồng, tương đương 47,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 2,0%. Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 8/2022. Với 04 dự án hoàn thành năm 2022, sản lượng trung bình đạt 65,5% giá trị hợp đồng, chậm 3,7%, Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường các mũi thi công bám sát tiến độ, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022. Các dự án hoàn thành năm 2023 và năm 2024, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 Km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch từ 4 - 6 làn xe ô tô cao tốc, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng được chia thành 12 dự án thành phần đi qua 12 tỉnh, thành phố. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022 trong đó giao cho các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc GPMB cho địa phương vào ngày 30/6/2022. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục liên quan để khởi công dự án trước ngày 31/12/2022. Các địa phương đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công các gói thầu trong năm 2022.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài 61,5 Km đi qua địa bàn 05 huyện, 12 xã với tổng diện tích thu hồi là 432.2 ha. Đến nay tỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao cho doanh nghiệp dự án. Về công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi phạm vi thi công dự án đường bộ cao tốc (còn một số vị trí chờ hào kỹ thuật của đường cao tốc sẽ tiến hành thi công song song với việc thi công các hào kỹ thuật). Đồng thời, Tỉnh đã giải quyết kịp thời nhu cầu vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (đoạn qua tỉnh Ninh Thuận).
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Ninh Thuận
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chỉ đạo, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang quyết liệt triển khai 30 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng yêu cầu từ nay đến tháng 9/2022, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án, chọn tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu đảm bảo theo quy định của pháp luật. Phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, Bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất vì mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra./.
Đức Nam