Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch
Sáng ngày 5/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Đến ngày 3/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine phòng COVID-19; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều, tiêm được hơn 196 triệu liều, đặc biệt trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29-1 - 28-2), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại, góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc. Tuy nhiên, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng 2/2022 vừa qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước. Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta, tuy nhiên nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%). Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa du lịch năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, đặc biệt thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, vì vậy sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Tại Ninh Thuận, tính từ từ đầu năm 2022 đến ngày 03/03/2022, toàn tỉnh có 1.523 người mắc Covid-19, 06 trường hợp tử vong; So với giai đoạn 62 ngày trước đó (tính từ 31/10 đến 31/12/2021) số ca mắc giảm 65,7% (1.523/4.443 ca), tử vong giảm 68,4% (6/19 ca). Công tác tiêm vắc xin được triển khai quyết liệt, tổng số vắc xin tỉnh nhận được là 1.217.770 liều; đã tiêm 1.213.116 liều, đạt tỷ lệ 99,6%. Trong đó: Nhóm người ≥ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 là 456.207 người (đạt 109,6%), số tiêm mũi 2 có 425.783 người đạt 102,3%, số tiêm mũi 3 có 249.889 người đạt 60%; Nhóm tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 52.637 trẻ (91,4%), số tiêm mũi 2 là 46.915 trẻ đạt 81,5%; Tỷ lệ tất cả các nhóm tuổi đã tiêm mũi 2 so với dân số toàn tỉnh đạt 79,30% (472.698/596.049 người). Các cơ sở giáo dục tổ chức dạy và học trực tiếp từ ngày 07/02/2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trở lại trạng thái bình thường mới; công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện linh hoạt, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Toàn cảnh cuộc họp tại đầu cầu tỉnh Ninh Thuận
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đang trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước, đạt mục tiêu tập trung kiểm soát rủi ro các ca chuyển nặng, ca tử vong đã đề ra tại Nghị quyết 128/NQ-CP. Chiến dịch tiêm vaccine đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực; công tác điều trị, đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro; công tác an sinh xã hội được thực hiện tích cực với kinh phí khoảng 78 nghìn tỷ đồng, đặc biệt trong dịp Tết đã dành khoảng 9,3 nghìn tỷ đồng cho công tác này từ các nguồn khác nhau; an ninh trật tự được bảo đảm trên phạm vi cả nước, tình hình tội phạm trong 2 tháng đầu năm giảm trên nhiều tiêu chí; việc huy động nguồn lực chống dịch được triển khai tích cực và đạt kết quả tốt; việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt.
Để chuẩn bị sẵn sàng với dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19 với các mục tiêu: Tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế; giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội; bảo đảm giữ vững quốc phòng-an ninh.
Về giải pháp triển khai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức “5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”, vận dụng linh hoạt trong điều kiện cụ thể.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các địa phương phải thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I-2022, cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm), hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3-2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…; Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế, bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động. Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định cụ thể về cách ly F0, F1; nghiên cứu công bố các chỉ số, số liệu liên quan phòng, chống dịch cần thiết, hiệu quả, khoa học, phù hợp tình hình và thông lệ quốc tế; hướng dẫn sử dụng thuốc thống nhất, hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện các công nghệ phục vụ phòng, chống dịch, dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư, đồng thời chỉ đạo các cơ quan báo chí - truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền bảo đảm kịp thời, chính xác về tình hình và các giải pháp của các cấp có thẩm quyền, theo tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tăng cường thông tin hướng dẫn để người dân yên tâm, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trên toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về mở cửa du lịch từ ngày 15-3. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về an sinh xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì bảo đảm an ninh quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp./.
Như Ngọc