Giới thiệu chung

TỔNG QUAN VỀ NINH THUẬN

 

TIỀM NĂNG, LỢI THẾ CỦA TỈNH NINH THUẬN:

Ninh Thuận với lợi thế là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Với bờ biển dài 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, khác biệt:

- Về tự nhiên: Có địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp; Hệ sinh thái rừng lùn khô hạn độc nhất Đông Nam Á; là một trong số ít tỉnh ở Việt Nam có 2 vườn Quốc gia, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (là 1 trong 9 Di sản thiên nhiên của Thế giới); Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh Quốc gia; Vùng biển Ninh Thuận nằm trong 18 vùng nước trồi của Thế giới; Điều kiện khí hậu nhiệt đới tiểu khí hậu Tây Á. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá.

- Về văn hóa độc đáo: Ninh Thuận là nơi sinh sống tập trung cộng đồng người Chăm nhiều nhất cả nước, với nhiều nét văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc, làng nghề truyền thống làm gốm Chăm là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á được UNESCO ghi nhận là 1 trong 15 Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hoá độc đáo.

- Về hạ tầng giao thông: Ninh Thuận có đường ven biển dài 105km, là cung đường biển dài và đẹp nhất cả nước, mở ra không gian mới cho phát triển các ngành kinh tế biển, và phát triển các đô thị, du lịch ven biển. Tỉnh đang tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối cả hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc, cảng biển, kết nối Ninh Thuận với các trung tâm kinh tế lớn: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và khu vực Tây nguyên; các kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế.

- Về sân bay, Ninh Thuận có sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở TP Phan Rang-Tháp Chàm, được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nghiên cứu chuyển đổi thành sân bay lưỡng dụng.

Hiện nay, tỉnh đang xây dựng đề án khai thác sân bay Thành Sơn để huy động nguồn lực xã hội hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để triển khai thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và liên kết phát triển vùng.

- Về đường sắt, Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt độc đáo nhất Đông Nam Á đang được Trung ương có chủ trương cho khôi phục lại, tạo sức hấp dẫn cho phát triển du lịch, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.

- Về lĩnh vực đô thị: Tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, phát triển đô thị gắn với xây dựng đô thị thông minh; từng bước xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hài hòa, có tính kêt nối cao, phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ và đa dạng nhiều loại hình nhà ở, tối ưu hoá nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân.

- Về đất đai: Ninh Thuận có lợi thế về quỹ đất, còn nhiều dư địa cho phát triển, cơ hội tăng trưởng cao, với giá đất thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực (bằng khoảng 20-30%); về công nghiệp, Ninh Thuận có 03 Khu công nghiệp với tổng diện tích trên 855ha đã đầu tư cơ bản hạ tầng kỹ thuật và 01 khu công nghiệp Cà Ná 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư, mới lấp đầy khoảng 15%, còn quỹ đất khá lớn, là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai.

 

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông.

Diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố và 6 huyện. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố loại II thuộc Tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Tỉnh, cách TP. Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách TP. Nha Trang 105 km và cách TP. Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.

2. ĐỊA HÌNH

Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, với 3 dạng địa hình: núi chiếm 63,2%, đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4%, đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích tự nhiên toàn Tỉnh.

3. KHÍ HẬU, THỦY VĂN

Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 - 270C, lượng mưa trung bình 700 - 800 mm ở Phan Rang và tăng dần đến trên 1.100 mm ở miền núi, độ ẩm không khí từ 75 - 77%. Năng lượng bức xạ lớn 160 Kcl/cm2. Tổng lượng nhiệt 9.500 - 10.000oC. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.

Nguồn nước ở Ninh Thuận phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trung tâm Tỉnh. Nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước.

4. TÀI NGUYÊN ĐẤT

Tổng diện tích tự nhiên 335.534 ha, trong đó, đất dùng vào sản xuất nông nghiệp  84.437 ha; đất lâm nghiệp  199.502 ha; đất nuôi trồng thủy sản  2.032 ha; đất làm muối  3.838 ha; đất chuyên dùng  24.008 ha; đất ở   5.410 ha; đất sông suối và mặt nước chuyên dùng  5.115 ha; còn lại đất chưa sử dụng.

5. TÀI NGUYÊN BIỂN

Bờ biển dài 105,8 km, ngư trường của Tỉnh nằm trong vùng nước trồi có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng với trên 500 loài hải sản các loại. Ngoài ra, còn có hệ sinh thái san hô phong phú và đa dạng với trên 120 loài và rùa biển đặc biệt quý hiếm chỉ có ở Ninh Thuận. Vùng ven biển có nhiều đầm vịnh phù hợp phát triển du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm giống là một thế mạnh của ngành thủy sản.

6. TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

Khoáng sản kim loại có Wonfram, Molipđen, thiếc, vàng. Titan tại khu vực ven biển với trữ lượng nhiều triệu tấn.

Khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể, đá granite, cát thủy tinh, sét gốm…

Nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có đá granite với tổng trữ lượng khoảng 850 triệu m3, cát kết vôi trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3; đá vôi san hô tập trung vùng ven biển trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn CaO; sét phụ gia, đá xây dựng.

Tiềm năng về khoáng bùn mới được phát hiện ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận, qua kết quả điều tra khảo sát của Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Miền Trung thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, bùn khoáng có chất lượng tốt, không có chứa các chất độc hại, trữ lượng bùn khoáng dự kiến khoảng trên 30.000 tấn, có thể tiếp tục điều tra, thăm dò và khai thác sử dụng vào mục đích phát triển phục vụ loại hình du lịch kết hợp tắm ngâm chữa bệnh như suối nước nóng xã Nhị Hà và Tân Mỹ.

ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI

1. DÂN SỐ VÀ NGUỒN LAO ĐỘNG

Dân số trung bình năm 2022 là 598.683 người. Mật độ dân số trung bình   178 người/km2, phân bố không đều, tập trung chủ yếu vùng đồng bằng ven biển. Cộng đồng dân cư gồm 3 dân tộc chính là dân tộc Kinh chiếm 75,6%, dân tộc Chăm chiếm 13%, dân tộc Răglây chiếm 11%, còn lại là các dân tộc khác.

Dân số trong độ tuổi lao động năm 2022 khoảng  326,3 nghìn người, chiếm  54,5%  dân số của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt  64,9%. Cơ cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm  41,3%, công nghiệp xây dựng chiếm  22,2%, khu vực dịch vụ chiếm  36,5%.

Với nguồn lao động dồi dào trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

2. GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Năm 2022 toàn Tỉnh có 300 trường/ 4.761 phòng học các cấp, trong đó, có 128 trường Tiểu học/ 2230 phòng, 61 trường THCS/ 1.026 phòng, 22 trường THPT/ 462 phòng học, có 123 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ  58,3%), có  89 trường mẫu giáo, nhà trẻ/ 1.043 phòng học. Hệ thống giáo dục phổ thông và nội trú đã hình thành ở tất cả các huyện, thành phố. Hệ thống các trường đào tạo gồm: Phân hiệu Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, Trường Chính trị, Trung tâm ĐH2 - Đại học Thủy lợi, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Viện Đào tạo Khoa học và Ứng dụng miền Trung, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố có nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề cho người lao động.

3. Y TẾ

Toàn Tỉnh có 241 cơ sở y tế khám chữa bệnh trong đó 84 cơ sở y tế là công lập, tuyến tỉnh và tuyến huyện có  1.830 giường, đạt tỷ lệ  30,5 giường bệnh/vạn dân, trong đó:  Tuyến tỉnh có  6 cơ sở/ 1.360 giường bệnh. Tuyến huyện, xã có  67 cơ sở/ 470 giường bệnh (trong đó  59 trạm y tế xã, phường/ 295 giường bệnh). Tổng số y bác sỹ  2.105 người. Đã đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Tỉnh lên hạng I  quy mô 1.000 giường bệnh,  bệnh viện các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, quy mô 100 giường bệnh; nâng cấp bệnh viện huyện Ninh Phước, bệnh viện khu vực Ninh Sơn và các phòng khám đa khoa khu vực; sáp nhập và thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh khác như Bệnh viện Y dược cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

CƠ SỞ HẠ TẦNG

1. MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG

Mạng lưới giao thông Ninh Thuận khá thuận lợi, có quốc lộ 1 chạy qua, quốc lộ 27 lên Đà Lạt và Nam Tây Nguyên, quốc lộ 27B chạy qua địa phận huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đến thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đường sắt Bắc Nam và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra, sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng hàng hóa Ba Ngòi (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước) thuộc tỉnh Khánh Hòa khá gần tỉnh Ninh Thuận (phạm vi khoảng 45 km đến 60 km), là một trong những điều kiện thuận lợi về giao thông để đến với Ninh Thuận.

Hệ thống cảng biển: gồm có 3 cảng cá: Đông Hải với cầu tàu dài 265 m, Cà Ná dài 200 m, cảng Ninh Chữ với cầu tàu dài 120 m và Bến cá Mỹ Tân, là nơi trú đậu cho  3.200 tàu thuyền đánh cá trong Tỉnh và các tỉnh vào trú bão an toàn, có khả năng tiếp nhận tàu có quy mô công suất đến 500 CV. Ngoài ra, Cảng biển tổng hợp Cà Ná – đã hoàn thành Bến 1A, chuẩn bị đưa vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu trên 300.000 tấn.

2. THỦY LỢI

Toàn Tỉnh đến nay có 22 công trình thủy lợi với tổng dung tích hồ  414,28  triệu m3, đồng thời đầu tư đồng bộ hơn 279 km kênh mương cấp II, III, tăng năng lực tưới 29.446 ha, nâng diện tích chủ động tưới lên  73.150 ha, đạt  60% tổng diện tích đất canh tác. Thời gian qua, Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 08 công trình thủy lợi lớn như hồ Lanh Ra, Bà Râu, sông Biêu, 05 hồ chứa thuộc hệ thống thủy lợi nhỏ và vừa với tổng dung tích khoảng 66,5 triệu m3 nước đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

Được sự đồng ý của Chính phủ, trong thời gian tới, Tỉnh sẽ triển khai xây dựng hệ thống liên thông hồ chứa (từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tới các hồ Bà Râu, sông Trâu, sông Sắt; từ hồ Sông Than tới hồ Lanh Ra; giữa hồ Tân Giang và Sông Biêu)nhằm tăng cường năng lực tưới cho các vùng sản xuất nông nghiệp, nước uống gia súc, cấp nước sinh hoạt cho người dân.

3. CẤP NƯỚC

Hiện tại có 04 hệ thống công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn tổng quy mô trên 120 ngàn m3/ngày - đêm gồm Nhà máy nước Phan Rang - Tháp Chàm quy mô 52.000 m3/ngày - đêm, nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam quy mô 30.000 m3/ngày - đêm, Nhà máy nước Tân Sơn quy mô 8.000 m3/ngày - đêm, Nhà máy nước Phước Dân quy mô 30.000 m3/ngày - đêm, cung cấp cho thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Hơn 60 hệ thống cấp nước từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm với quy mô từ 50 - 500 m3/ngày - đêm và các công trình nước tự chảy phục vụ cho khoảng 148 ngàn người.

Hiện nay tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch khoảng  98,5% và nông thôn đạt  trên 96%.

4. CẤP ĐIỆN VÀ TRUYỀN TẢI ĐIỆN

 Năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có  3.055,6 MW (Điện gió trên đất liền:  666,75 MW; Thủy điện vừa và nhỏ:  131,95 MW; Điện mặt trời:  2.256,85 MW) đưa vào vận hành, sản lượng điện phát lên lưới  trên 6.900 triệu kWh.

Đến nay 100% xã được phủ lưới điện quốc gia và hầu hết các hộ dân đều được dùng điện lưới. Nhiều công trình hạ tầng truyển tải, trạm biến áp được đầu tư hoàn thành; trong đó đặc biệt là lần đầu tiên của cả nước tư nhân đầu tư đường dân 500 Kv, góp phần giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.  

5. BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Mạng lưới bưu chính viễn thông của Tỉnh đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao như: mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN) cho Thành phố theo mô hình “một hệ thống, đa dịch vụ”.

6. CÁC DỊCH VỤ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ KHÁC (NGÂN HÀNG - TÍN DỤNG - BẢO HIỂM...)

Mạng lưới hoạt động Ngân hàng tại Tỉnh hiện nay gồm có 04 chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), 08 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), 03 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, với 33 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc, riêng NHNSXH có 65 điểm giao dịch xã (phường, thị trấn), với điểm phủ sóng dịch vụ ngân hàng toàn tỉnh và cung ứng vốn phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển mạng lưới ngân hàng và cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại hoá và tăng năng lực hoạt động quản trị và điều hành; đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng với công nghệ và chất lượng phục vụ được nâng cao; hoạt động thanh toán được an toàn và thông suốt, thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được mở rộng. Các ngân hàng có khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ. Ngoài ra, còn có các Quỹ: Đầu tư và Phát triển tỉnh, Bảo lãnh tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số Dịch vụ Bảo hiểm khác trên địa bàn Tỉnh.